Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.236.612
Truy cập hiện tại 6
PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỂM XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA ĐẢNG TA TỪ THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 16/10/2023

Thực hiện chính sách dân tộc được Đảng ta xác định là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Trải qua các giai đoạn lãnh đạo cách mạng, nhận thức của Đảng ta về vấn đề dân tộc và chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, sâu sắc; việc xây dựng và thực thi chính sách dân tộc ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi dụng các vấn đề dân tộc, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng ta, công kích, chống phá, kích động vấn đề ly khai dân tộc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, khẳng định tính đúng đắn, hợp lý của chính sách dân tộc của Đảng ta đặc biệt thông qua thực tiễn thực thi chính sách dân tộc ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng là một trong những vấn đề cần thiết hiện nay.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó phần lớn là các dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống rải rác trên những vùng rừng núi, vùng biên giới, nơi có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi, nhưng lại có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng – an ninh, môi trường sinh thái.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc

Với việc khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Đảng ta đã nhận thức về lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn, trong đó có lý luận về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề dân tộc là một bộ phận của những vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Do đó, giải quyết vấn đề dân tộc phải gắn với cách mạng vô sản và trên cơ sở của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng nhấn mạnh rằng, khi xem xét và giải quyết vấn đề dân tộc phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân. Điều đó cũng có nghĩa là việc xem xét và giải quyết vấn đề dân tộc phải trên cơ sở và vì lợi ích cơ bản, lâu dài của dân tộc. Về thực chất, giải quyết vấn đề dân tộc chính là xác lập quan hệ công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc trong một quốc gia, giữa các quốc gia dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa ra những lý luận chung nhất về vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc và các nguyên tắc thực hiện vấn đề dân tộc, đây chính là cơ sở lý luận để hình thành nội dung các chính sách dân tộc ở các quốc gia trong quá trình đấu tranh và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính sách dân tộc là một hệ thống những quan điểm chính sách của một giai cấp, đại diện là chính đảng và nhà nước để giải quyết vấn đề dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm, phương hướng chỉ đạo công tác dân tộc, chính sách dân tộc của nước ta. Người chỉ rõ: Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là các dân tộc đều bình đẳng và đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc bao gồm những nội dung cơ bản là: Chính sách dân tộc phải hướng đến đoàn kết toàn dân tộc; chính sách dân tộc phải hướng tới thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc, phải tạo điều kiện cho các dân tộc giúp đỡ nhau cùng nhau phát triển; chính sách dân tộc phải hướng đến phát triển toàn vùng miền núi, làm cho miền núi ngày càng tiến kịp với miền xuôi; chính sách dân tộc cần chú ý chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ là con em các dân tộc thiểu số; chính sách dân tộc phải chú ý đến tính đặc thù dân tộc.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc

Kế thừa một cách toàn diện và sáng tạo những lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam ngày càng được quan tâm, hoàn thiện.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã sớm quan tâm đến vấn đề dân tộc và định hướng việc thực hiện chính sách dân tộc. Với những chủ trương, đường lối, quan điểm đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết các dân tộc làm nên những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước chống lại mọi kẻ thù thực dân, đế quốc xâm lược.

Chính sách dân tộc được hiểu một cách cơ bản đó chính là sự cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề dân tộc, tác động trực tiếp đến việc giải quyết mối quan hệ dân tộc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là hệ thống các nguyên tắc, chủ trương và giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc; đảm bảo sự thống nhất của cộng đồng quốc gia dân tộc và mở rộng quan hệ với các cộng đồng quốc tế được xác định trong từng giai đoạn cụ thể. Thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các tộc người, trong đó quan tâm đến các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 đã xác định một trong sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là: “Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ”. Đến Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011 Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh và làm rõ hơn một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

Thực hiện tốt công tác dân tộc góp phần tạo lập sự đồng thuận xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là vấn đề chiến lược của cách mạng nước ta. điều này đã được Đảng ta khẳng định qua các kỳ Đại hội và các nghị quyết của Đảng.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng, trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới, Đảng ta đưa ra nguyên tắc giải quyết công tác dân tộc trong tình hình hiện nay: Đảng ta luôn coi công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước.

Tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn đối với công tác dân tộc, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số…

Đại Hội XIII tiếp tục nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Bên cạnh đó, văn kiện cũng đưa ra quan điểm: “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” .

Trên cơ sở quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng các chính sách dân tộc đã được xây dựng và đưa vào thực thi. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nêu rõ: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Do đó, nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta phản ánh một cách toàn diện các yêu cầu, nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực cụ thể như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng – an ninh. Một số chính sách dân tộc đã và đang được triển khai thực hiện trong thời gian gần đây như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 134, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27-9-2001, của Thủ tướng Chính phủ); Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”; Thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015; Nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...

Có thể nói vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, việc triển khai ở các địa phương ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, không như các luận điệu của các thể lực thù địch đang rêu rao cho rằng Đảng, Nhà nước ta không quan tâm thích đáng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế có hai huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới) và các huyện, thị xã có đồng bào dân tộc thiểu số (Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà). Dân số toàn vùng đồng bào dân tộc có 121.248 người/24.657 hộ, trong đó dân tộc thiểu số 54.062 người chiếm 45,43% so với dân số toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 4,9 % so với dân số toàn tỉnh. Thành phần dân tộc bao gồm: Dân tộc Pa Cô 20.290 người (chiếm 37,53%); Dân tộc Tà Ôi 12.771 (chiếm 23,61%); Dân tộc Cơ Tu 16.719 (chiếm 30,94%); Dân tộc Vân Kiều 1.389 người (chiếm 2,57%); Dân tộc Pa Hy 1.081 người (chiếm 2%) và một số dân tộc khác (Mường, Thái, Thổ, Hoa...) 1.812 người (chiếm 3,35%). Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh bao gồm 24 xã (14 xã khu vực III1, 71 thôn đặc biệt khó khăn 2 ), có cửa khẩu Hồng Vân – Kutai (Cô Tài) đi qua tỉnh Salavan và cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng đi qua tỉnh Sê Kông, có 12 xã biên giới (thuộc huyện A Lưới) giáp ranh với nước bạn Lào (3). Đây là những vùng tuy có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, nhưng các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, chính sách dân tộc của tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chính sách định canh định cư; Chính sách vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn;  Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2015 – 2025…Nhiều chương trình, dự án kinh tế được triển khai: Chương trình 235, chương trình 135, những chính sách trợ giá, trợ cước, chính sách bảo hiểm y tế, chính sách cử tuyển, chính sách 929 đối với người dân tộc thiểu số bệnh binh, chính sách cho vay không lãi, chính sách tín dụng ưu đãi và nhiều chính sách kinh tế - xã hội khác... nhiều dự án lớn đã được triển khai ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: dự án xóa đói giảm nghèo (ADB), dự án hạ tầng cơ sở dựa vào cộng đồng (WB), dự án định canh định cư, dự án trồng rừng kinh tế bằng nguồn vốn WB3, dự án đa dạng hóa nông nghiệp đầu tư trồng cao su, dự án đầu tư và phát triển cà phê ở A Lưới...những chương trình, dự án trên bước đầu đã đem lại hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với việc triển khai tích cực và đồng bộ các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, diện mạo vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sản xuất trồng trọt; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều mô hình VACR hiệu quả, được nhân rộng. Từng bước giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh ổn định và có bước chuyển biến tích cực. UBND các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra hiện công tác phòng cháy chữa cháy và chủ động ứng phó và phòng chống thiên tai góp  phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Một số chỉ tiêu về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh ước đạt trong năm 2022: (i) Tỷ lệ hộ nghèo: huyện A Lưới là 39,8%, huyện Nam Đông là 6,06%; (ii) Thu nhập bình quân đầu người/năm: huyện A Lưới là 31,0 triệu đồng, huyện Nam Đông là 49,3 triệu đồng. (2)

Ngành công nghiệp, thủ công nghiệp đã giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư là đồng bào các dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định. Khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị nghệ thuật cao như nghề đan lát, dệt Zèng, mộc, rèn, chạm khắc mỹ nghệ.

Hình 1: Nghề dệt Zèng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hình 2: Thổ cẩm Zèng A lưới tỏ sáng trên sân khấu trang phục ASEAN (Ảnh: Báo Thanh niên điện tử)

Điển hình là nghề dệt Zèng, đan lát được khôi phục và tổ chức sản xuất tại các xã: A Roàng, A Đớt, A Ngo, Nhâm của huyện A Lưới và Hương Sơn, Hương Hữu, Thương Nhật, Thượng Long huyện Nam Đông thu hút khoảng 30% - 50% số hộ tham gia, góp phần tăng thu nhập đồng thời phát huy nghề truyền thống của bà con dân tộc. Ngoài ra dệt Zèng còn được tham gia giới thiệu sản phẩm và phục vụ quảng diễn tại các dịp lễ hội Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế; đưa vào các tour du lịch cộng đồng.

Về văn hóa: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của cộng
đồng các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Phục hồi một số lễ hội, dân ca, dân vũ của các đồng bào dân tộc thiểu số; ngôn ngữ tiếng nói, chữ viết các dân tộc được tôn trọng và giữ gìn... Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc miền núi ở Thừa Thiên Huế được tổ chức 2 năm một lần, thực sự là điểm hội tụ những tinh hoa văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đại hội thể dục thể thao tại các xã, thị trấn cũng được tổ chức, đây là dịp để biểu dương lực lượng Thể dục thể thao quần chúng của các địa phương thông qua cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thông qua các hoạt động đó đã góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cho các thế hệ, đồng thời củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các địa phương duy trì tốt việc tiếp sóng phục vụ nhu cầu nghe nhìn của nhân dân; kịp thời đưa tin, phóng sự về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Tỷ lệ thôn, xã, thị trấn đạt  chuẩn văn hóa cao, tỷ lệ hộ gia đình văn hoá đạt trên 90%, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 100%. Huyện A Lưới: Tỷ lệ xã đạt văn hóa nông thôn mới 16,67%, tỷ lệ thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 100%; tỷ lệ xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia 28,57%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng 100%; Huyện Nam Đông, toàn huyện có 60/60 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 100%; có 82/86 cơ quan, đơn vị được công nhận và giữ vững đơn vị văn hóa đạt tỷ lệ 95,3%; có 6.455/6.595 hộ gia đình đăng ký văn hóa đạt 97,8%, trong đó công nhận 6.020/6.455 hộ, đạt 93,26%; có 03 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng 100%.(2)

Về giáo dục và đào tạo: Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đã từng bước được nâng cao. Tỷ lệ các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức dạy học; triển khai nhiều giải pháp, hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho học sinh và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Điều tra độ tuổi phục vụ công tác phổ cập giáo dục. Thực hiện công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại các địa phương.

Về y tế: Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 139/2003/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về mạng lưới y tế cơ sở và khám chữa bệnh cho người nghèo. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi được quan tâm đúng mức, ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị tại địa phương. Các Chương trình y tế Quốc gia, y tế địa phương được triển khai đúng tiến độ. Chủ động tiếp tục triển khai công tác chăm  sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19...Các địa phương đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế. 

Quốc phòng – an ninh vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế được giữ vững, ngày càng củng cố và phát triển cả tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, cũng như thế trận an ninh nhân dân. Thực hiện tốt bảo vệ, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng khó khăn về đời sống, trình độ dân trí thấp của đồng bào và những sai sót của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta để kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị xã hội ở vùng dân tộc và miền núi. Từ đó bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở vùng dân tộc và miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Nhìn chung, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chủ động, tích cực của các cấp chính quyền địa phương, việc thực hiện chính sách dân tộc đã đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho người dân và sự phát triển đi lên của vùng dân tộc thiểu số. Do đó, những luận điệu cho rằng Việt Nam phân biệt dân tộc, các dân tộc không bình đẳng là hoàn toạn bịa đặt, sai sự thật. Thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong công tác dân tộc, đây chính là việc cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc vào thực tiễn cuộc sống của đồng bào dân tộc và miền núi, hiện thực hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối đó thành những lợi ích vật chất và tinh thần cho đồng bào. Do đó, thực hiện tốt chính sách dân tộc có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, là công tác quan trọng, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.      Đảng Cộng sản Việt Nam (2006, 2011, 2016, 2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội.

2.      UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Dân tộc (2022): Báo cáo kết quả công tác dân tộc năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, số 186/BC-BDT

3.      UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (7/2023): Báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Số 308/BC-UBND, ngày 13/7/2023.

 

ThS. Hồ Thị Thu Hương - Trưởng khoa Lý luận cơ sở

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày