Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.236.645
Truy cập hiện tại 14
THỪA THIÊN HUẾ PHÁT HUY TINH THẦN ĐẠI ĐOÀN KẾT THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG DỊCH – MỘT NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG TRONG THỜI ĐIỂM HIỆN NAY
Ngày cập nhật 10/08/2021

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, mỗi khi dân tộc ta đoàn kết thành một khối thống nhất sẽ tạo thành sức mạnh vô địch vượt qua mọi chông gai, thử thách. Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành chất kết dính, gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cả ở trong và ngoài nước, nhất là hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tập trung phòng, chống dịch COVID -19

Để chống lại kẻ thù xâm lược, thiên tai, dịch bệnh, dân tộc ta từ xa xưa đã biết liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh. Qua suốt chiều dài lịch sử, tinh thần ấy đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.  Từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đại thắng mùa Xuân-1975. 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các hính sách, pháp luật. Mọi tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục kế thừa nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong những ngày này khi mà đất nước cùng với thế giới đang đứng trước dịch bệnh đang hoành hành thì vấn đề đoàn kết lại được Đảng ta thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Để thực hiện mục tiêu cao cả này, Đảng đã động viên và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Ngay từ những ngày đầu chống dịch cho đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, cùng nhau đoàn kết một lòng thực hiện tất cả các nhiệm vụ chỉ vì một mục tiêu duy nhất, đẩy lùi căn bệnh COVID-19. Chưa bao giờ tinh thần đoàn kết lại được thể hiện mạnh mẽ như lúc này. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ chính trị, Chính phủ, của hệ thống chính trị, cả dân tộc Việt Nam một lòng quyết tâm thực hiện, đặc biệt là đội ngũ y tế, công an, quân đội…, cả dân tộc đã cùng nhau đứng lên để chiến thắng với căn bệnh quái ác này với phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Đặc biệt, trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới cũng như ở trong nước rất phức tạp, tỉnh Thừa Thiên Huế ngay từ đầu đã cố gắng rất nhiều trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tỉnh đã có nhiều chủ trương đúng đắn để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, giúp cho người dân có một cuộc sống ổn định và bình an. Công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, tất cả lực lượng đã vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ. Đặc biệt là sự tham gia của người dân. Qua khó khăn càng thấy rõ sức mạnh của Nhân dân trong tỉnh và của hệ thống chính trị. Cụ thể là tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ dòng người vào từ vùng dịch, tổ chức cách ly kịp thời, hiệu quả, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân.  Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của lãnh đạo tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc, đạt được những kết quả tích cực, nhân dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực tham gia. Lãnh đạo tỉnh đã kịp thời có nhiều văn bản chỉ đạo ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu được phát hiện và khi có diễn biến mới phức tạp (Chỉ thị số 20/CT ngày 21/7/2021). Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng chống dịch COVID-19 tập trung theo dõi, làm việc thường xuyên, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch. Các cấp, các ngành, các địa phương đơn vị trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bám sát tình hình, xây dựng các phương án, kịch bản, có nhiều cách làm hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh. Đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang… đã nỗ lực rất cao, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch, với mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe nhân dân. Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, hướng dẫn nhân dân chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch. Các đối tượng phát tán thông tin sai sự thật được xử lý kịp thời, nghiêm minh…

  Để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19: Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm và cập nhật thường xuyên, liên tục các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về phòng chống dịch COVID-19 và các quy định, hướng dẫn công tác phòng chống dịch của ngành y tế.

“Quán triệt tinh thần, quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, bị động trong bất kỳ tình huống nào; chủ động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch; duy trì thực hiện tốt 5K, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng; chịu trách nhiệm trước BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương; quán triệt đến cán bộ, công chức, người lao động tinh thần chống dịch với mức độ cao nhất”.

Sở Y tế thực hiện tốt công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly; triển khai nghiêm túc các quy định về cách ly y tế tập trung đối với các đối tượng có nguy cơ. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc cách ly tại các khu cách ly tập trung, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo nếu có F0. Rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng kịch bản có dịch lây lan diện rộng để chủ động ứng phó; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế... huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.

UBND các huyện, thị xã, TP. Huế chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, công an cấp xã, các tổ phòng, chống dịch cộng đồng tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện từ vùng dịch đến địa bàn; thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người từ ngoài địa phương đến/trở về mà không được kiểm tra, kiểm soát, giám sát dịch tễ theo quy định.

Sở LĐTB&XH đã chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng…

Có thể nói, lãnh đạo tỉnh đã phản ứng nhanh, kịp thời và chính xác, bước đầu đạt được kết quả tốt. Toàn dân làm, các ngành, các cấp đồng bộ quyết liệt, hưởng ứng nghiêm túc. Trong đó, phải kể đến vai trò của Ban Chỉ đạo, của Sở Y tế. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh vào cuộc, các ngành, các cấp ủy đảng, ở các địa phương..., Mặt trận, các đoàn thể vào cuộc, kịp thời kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ, thăm hỏi động viên.

Cùng với công tác chống dịch trong nước, Thừa Thiên Huế đã triển khai các biện pháp đón công dân ở Thành phố Hồ Chí Minh nhiều đợt, làm rất kỹ lưỡng chắc chắn, thậm chí tổ chức đưa người ở vùng tâm dịch về tỉnh. Đưa lực lượng y tế, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn , kinh nghiệm cao trong chống dịch đi khắp các vùng có dịch của đất nước, cũng như kêu gọi mọi người dân trong tỉnh quyên góp hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tất cả sự ủng hộ của các ban ngành, đoàn thể đã thực hiện công tác kiểm soát các chốt, hay nấu ăn phục vụ cho những người cách ly khi về địa phương, nhằm ngăn chặn sự lấy lan dịch bệnh trong cộng đồng…Kể sao cho xiết khi lãnh đạo tỉnh đã phải chỉ đạo các bộ phận liên quan đảm nhận tham gia phong trào chống dịch,  phải xử lý những tình huống vô cùng khó khăn trên hành trình chống dịch…  Mặc dù, lường trước những nguy cơ dịch bệnh từ những người dân của Thừa thiên Huế từ tâm dịch trở về, lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh và nhân dân Thừa Thiên Huế chúng ta đã dang tay đón nhận những người con trở về quê hương. Chính quyền vẫn đang tạo điều kiện để họ trở về tránh dịch và cả điều trị đối với những người không may đã mắc bệnh...; đấy là nghĩa tình. Các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 làm việc rất vất vả, dành những điều kiện tốt nhất cho họ về nhà. Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn người trong nước phải thương yêu nhau, đúng với truyền thống của dân tộc: Thương người như thể thương thân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ… Tâm lý chung, khi vui mừng cũng như khi hoạn nạn, con người luôn hướng về quê hương, mong được trở về trong tình yêu thương của ruột thịt. Thêm một lần nữa, giữa khó khăn hoạn nạn, tình đồng hương vẫn là quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này cũng là sự chia sẻ đối với Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là trách nhiệm của Chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, để làm tốt công tác nhiệm vụ này, để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất.

Với tinh thần tất cả cùng vào cuộc, “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được vừa qua, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng sợ hãi đến mức không dám làm gì. Bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung:

Thứ nhất, phân tích những ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, du lịch, rồi tâm lý xã hội, đời sống nhân dân. Cần tính toán phương án, có giải pháp lâu dài, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường siết chặt kiểm soát tại các chốt kiểm tra y tế liên ngành; kiên quyết không để các trường hợp người và phương tiện qua chốt mà không được kiểm soát phòng chống dịch, nhất là những người từ các tỉnh, thành phố có dịch về địa phương bằng phương tiện cá nhân. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng dịch đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán ăn, cà phê… Kiên quyết đóng cửa các cơ sở vi phạm về phòng chống dịch.

Thứ hai, cùng với chống dịch, cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là vùng có dịch. Bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh. Trước mắt, bảo đảm nguồn lực dự phòng; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ…Cần tiếp túc hỗ trợ, chia sẻ với nhân dân trong nước trong phòng chống dịch bệnh, qua đó thể hiện trách nhiệm của tỉnh với quốc gia, nâng cao uy tín và vị thế của Thừa Thiên Huế. Với tinh thần tất cả vào cuộc "chống dịch như chống giặc, trên tinh thần “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao”.

Thứ ba, các lực lượng, trong đó có Công an tỉnh. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục kiên trì nguyên tắc chống dịch, đồng thời xây dựng các giải pháp linh hoạt phù hợp với tình hình mới; tăng cường năng lực cơ sở vật chất, dự phòng trang thiết bị, vật tư y tế, năng lực phát hiện ngay tại cơ sở để khoanh vùng điều trị tại chỗ; rà soát, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành sao cho nhuần nhuyễn hơn, hiệu quả hơn; Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ Công an tỉnh thường xuyên xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian này; là nhiệm vụ chiến đấu của công an, quân đội trong thời bình, trong bất luận tình huống nào công an, quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ tư, vai trò của người dân rất quan trọng. Chúng ta thấy rằng muốn phòng chống được dịch Covid, thì vấn đề không phải hệ thống nhà nước đã làm tốt đến đâu nữa, mà chắc chắn không thể bỏ qua vai trò của từng người dân một. Với truyền thống đoàn kết, đồng sức đồng lòng, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Để tiếp tục cùng Đảng bộ tỉnh, chính quyền tập trung phòng chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân. Mỗi người dân Thừa Thiên Huế chính là một “mắt xích” trong mạng lưới giám sát dịch bệnh của chính quyền.  Đây chính là sự đồng thuận đoàn kết một lòng của toàn thể nhân dân Thừa Thien Huế nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Thứ năm, nhằm triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn hiệu quả, cũng như đảm bảo an toàn cho nhân dân; đồng thời, vừa có tính lâu dài hình thành thói quen của người sử dụng công nghệ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh, để triển khai các giải pháp đến người dân tiếp cận Hue-S.

Thứ sáu, nhận thức được vai trò thiết  yếu của y tế dự phòng, y tế công cộng và hệ thống y tế nói chung.

Tóm lại, chúng ta thực sự bước vào “thời chiến” với dịch bệnh “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”. Chỉ có đoàn kết đồng sức đồng lòng thì chúng ta mới thành công trong công cuộc đầy cam go và thách thức này. Đó cũng chính là bài học kinh nghiệm của Đảng bộ để giành thắng lợi trên các mặt trận dù là chống thiên tai, chiến tranh hay dịch bệnh… nhằm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với cả nước vượt qua cuộc chiến đại dịch khó khăn này./.

PHAN YẾN THU - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 576.

(2), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611.

(3), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 278-279.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 50

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 438.

 

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày