Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.236.551
Truy cập hiện tại 13
TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG
Ngày cập nhật 06/03/2024

                                                                                                                                                                                                                                                                                                 Th.s Phan Thị Thanh Tâm

                                                                                                                                                                                                                                                                                                  Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt: Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong những năm qua, Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng luôn xác định nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Chi bộ Khoa, xây dựng Chi bộ Khoa kiểu mẫu trong công tác xây dựng Đảng tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh.

Từ khoá: sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi bộ.

 

Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xác định rõ tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên đề trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, ngay từ đầu năm, Đảng ủy Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm. Căn cứ vào kế hoạch của Đảng ủy nhà trường, Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng xây dựng nội dung, chương trình sinh hoạt chuyên đề các quý, tháng trong năm để tổ chức thực hiện và báo cáo Đảng ủy nhà trường.

         Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng đã lựa chọn những vấn đề cụ thể phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của chi bộ đưa vào nội dung sinh hoạt chuyên đề để các đảng viên liên hệ với công việc hàng ngày của mình.

Tuỳ tình hình thực tiễn mỗi năm, chi bộ đều lựa chọn những nội dung chuyên môn phù hợp để tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Ví dụ như: Năm 2023, Chi bộ Khoa tổ chức 6 lần sinh hoạt chuyên môn theo hướng xây dựng mô hình giảng dạy “Phát triển năng lực người học”; “Áp dụng kết quả mô hình giảng dạy “Phát triển năng lực người học”; tổ chức thực hiện “ Giờ giảng mẫu” trên lớp học; “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa”; Sinh hoạt chuyên đề về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng văn hóa Huế, con người Huế, quyết tâm sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương".

Năm 2024: Chi bộ tổ chức sinh hoạt Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chuyên đề năm 2023 - 2024 “Văn hóa Hồ Chí Minh về học tập, lao động và làm việc”: vận dụng vào văn hóa về học tập, lao động và làm việc hiện nay của giảng viên, đảng viên, học viên trường chính trị Nguyễn Chí Thanh nói chung, khoa Xây dựng Đảng nói riêng; Chuyên đề Chi bộ lãnh đạo khoa thực hiện nhiệm vụ NCKH và tổng kết thực tiễn; Chuyên đề Chi bộ lãnh đạo Khoa nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên, trọng tâm là nâng cao chất lượng giảng dạy, năng lực giảng viên và công tác giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị Lào.

Trong năm 2024, dự kiến chi bộ Khoa Xây dựng Đảng sẽ đăng ký với Nhà trường tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề mẫu, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai đến các chi bộ khác trong Nhà trường.

Trước mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ phân công đảng viên có khả năng biên tập, am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề để chuẩn bị bằng văn bản. Các đảng viên trong chi bộ dựa vào kế hoạch chi tiết đã được đồng chí Bí thư chi bộ phân công, chuẩn bị đầy đủ nội dung tham mưu kế hoạch từng buổi sinh hoạt chuyên đề. Bí thư chi bộ trao đổi về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện chuyên đề với đảng viên được phân công. Dự thảo chuyên đề phải được bí thư chi bộ thông qua và gửi cho đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt. Các đảng viên được phân công lần lượt tham mưu theo từng quý, tháng. Những đảng viên không được phân công trực tiếp tham mưu trong quý, tháng đó vẫn có trách nhiệm nghiên cứu, góp ý đối với nội dung sinh hoạt chuyên đề.

Trong mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, đảng viên được phân công chuẩn bị, trình bày dự thảo chuyên đề. Các đảng viên luôn tích cực thảo luận và đóng góp những ý kiến bổ ích vào nội dung sinh hoạt. Thông qua sinh hoạt chuyên đề giúp cho đảng viên nhìn nhận, đánh giá được công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ đối với hoạt động của Khoa; đồng thời đánh giá được chọn chủ đề phải sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, để xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện cho phù hợp, tránh hình thức, xa rời thực tiễn. Không khí của những buổi sinh hoạt chuyên đề ở Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng thường rất vui vẻ, chân ái, hoà đồng, không sẽ có cảm giác nặng nề. Đảng viên được phân công chuẩn bị chuyên đề tiếp thu ý kiến tham gia để hoàn thiện. Chuyên đề sau khi hoàn thiện gửi đảng viên trong chi bộ để nghiên cứu, học tập và báo cáo Đảng uỷ Nhà trường.

Bí thư Chi bộ Khoa lập kế hoạch chi tiết thực hiện, theo dõi chất lượng của đảng viên khi tham gia vào thực hiện từng buổi sinh hoạt chuyên đề. Từng quý có báo cáo cụ thể cho Chi bộ về tiến độ thực hiện. Chất lượng, hiệu quả của từng đảng viên trong tham gia những buổi sinh hoạt chuyên đề là căn cứ để Chi bộ đánh giá, bình xét thi đua cuối năm.

Nhằm tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, thời gian tới Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp sau:

Nhận thức đúng về nội dung, chất lượng sinh hoạt chuyên đề:

Bí thư chi bộ và từng đảng viên trong chi bộ cần phải nhận thức đúng, có trách nhiệm cao về sinh hoạt chi bộ nói chung và sinh hoạt chuyên đề nói riêng. Cần nắm vững các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, quy trình, nội dung, hình thức, tính chất, yêu cầu của một buổi sinh hoạt chuyên đề có chất lượng; các kỹ năng cần thiết trong chuẩn bị, điều hành sinh hoạt chi bộ... Tăng cường số lượng chuyên đề sinh hoạt. Đảm bảo đầy đủ những yêu cầu được giao. Đảng viên nâng cao trách nhiệm tham gia xây dựng ý kiến cho từng chuyên đề cụ thể. Hiện thực hoá nội dung sinh hoạt chuyên đề vào công tác chuyên môn của từng đảng viên.

Xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề:

         Chi bộ chủ động xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề ngay từ đầu năm, xác định cụ thể thời gian, nội dung cho các kỳ sinh hoạt chi bộ, ít nhất một quý phải tổ chức sinh hoạt chuyên đề 1 lần, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đảng viên để chuẩn bị nội dung.

Lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề đóng vai trò rất quan trọng. Nội dung sinh hoạt chuyên đề rất đa dạng, phong phú, đòi hỏi phải có định hướng tập trung vào các nhóm vấn đề phù hợp với nhiệm vụ chính trị của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên như: Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên; Về các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; Về triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ; Về các giải pháp phòng, chống, khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong chi bộ; Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Khoa, Nhà trường vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa; Về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của Khoa, Nhà trường; Về giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của địa phương, Khoa, Nhà trường cho cán bộ, đảng viên; Về văn hoá công sở, văn hoá trường Đảng... Việc lựa chọn chuyên đề đúng sẽ giúp đảng viên được phân công tham gia chuẩn bị nắm chắc vấn đề và đảng viên thảo luận sôi nổi, có chất lượng tại cuộc họp. Mặt khác, tùy vào tình hình cụ thể Chi bộ lựa chọn những vấn đề thiết thực, mang tính thời sự để thảo luận tại buổi sinh hoạt chuyên đề.

Đảng viên được phân công chuẩn bị chuyên đề phải tham mưu hiệu quả, kỹ lưỡng:

Trên cơ sở kế hoạch sinh hoạt chuyên đề đã xây dựng, dựa vào năng lực, sở trường của từng đảng viên để đồng chí Bí thư chi bộ phân công nhiệm vụ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề cho phù hợp theo từng quý, tháng. Khuyến khích đảng viên đăng ký nội dung chuyên đề để báo cáo trước chi bộ, từ đó tạo ý thức tự giác cho mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời giúp đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, kĩ năng thuyết trình và kiến thức chuyên sâu về xây dựng Đảng.

 Đảng viên được phân công báo cáo phải chuẩn bị bằng văn bản, có trách nhiệm nghiên cứu kỹ đề cương chuyên đề, sưu tầm, thu thập số liệu, tài liệu có liên quan để xây dựng tham luận. Dự thảo chuyên đề phải được thông qua chi bộ trước khi diễn ra sinh hoạt (thường bằng hình thức gửi zalo).

Tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề đúng quy định:

Bí thư chi bộ thông báo thời gian, nội dung sinh hoạt chuyên đề và gửi dự thảo chuyên đề cho đảng viên nghiên cứu trước. Từng đảng viên chủ động nghiên cứu để tham gia phát biểu, thảo luận trong cuộc họp. Trong sinh hoạt chuyên đề, bí thư chi bộ là người chủ trì hội nghị; người được phân công chuẩn bị trình bày dự thảo chuyên đề trước chi bộ, báo cáo chuyên đề phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Chủ trì hội nghị định hướng, gợi ý và điều hành thảo luận. Cần phát huy dân chủ trong thảo luận, khuyến khích đảng viên phát biểu nhằm tạo bầu không khí thực sự dân chủ, cởi mở, công tâm, khách quan để mỗi đảng viên mạnh dạn nêu nhận thức của bản thân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đề đối với bản thân, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo chuyên đề, đồng thời đề xuất các biện pháp trong công tác lãnh đạo của chi bộ.

Sau sinh hoạt chuyên đề, đảng viên được phân công báo cáo chuyên đề tiếp thu các ý kiến thảo luận của đảng viên và kết luận của chủ trì hội nghị hoàn chỉnh chuyên đề. Cấp ủy duyệt lần cuối trước khi ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện. 

Tăng cường công kiểm tra, giám sát, đánh giá:

Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, Bí thư chi bộ cần có nhận xét, đánh giá chi tiết, cụ thể những ưu, khuyết điểm của đảng viên được phân công xây dựng chuyên đề, đánh giá kết quả sinh hoạt chuyên đề đảm bảo cho sinh hoạt chuyên đề được tiến hành đúng hướng, chất lượng. Rút kinh nghiệm cho những buổi sinh hoạt chuyên đề tiếp theo.

 Sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề là những hoạt động cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, là yêu cầu bắt buộc đối với các chi bộ. Do vậy, việc duy trì nền nếp sinh hoạt chuyên đề trong sinh hoạt chi bộ gắn với chuyên môn, hình thức tổ chức thích hợp, thời gian hợp lý sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, khắc phục những vấn đề ngại nói, những tâm tư của đảng viên, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và góp phần xây dựng chi bộ Khoa Xây dựng Đảng vững mạnh, thực sự là Khoa kiểu mẫu trong công tác Đảng của trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh./.

         Tài liệu tham khảo

1. Cẩm Nang Dành Cho Bí Thư Đảng Bộ, Chi Bộ Cơ Sở & Công Tác Nâng Cao Chất Lượng Sinh Hoạt Chi Bộ.

2. Hướng dẫn Số: 12-HD/BTCTW ngày 06 tháng 7 năm 2018 một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

 

Tập tin đính kèm:
       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày