Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.236.534
Truy cập hiện tại 9
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC, TỌA ĐÀM KHOA HỌC CÁC CẤP Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ NGUYỄN CHÍ THANH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐẠT CHUẨN
Ngày cập nhật 18/01/2024

TS. LÊ THỊ HẰNG

Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt: Nâng cao chất lượng tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp ở Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tỉnh Thừa Thiên được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học. Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã đổi mới phương thức tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp nhằm hoàn thành các tiêu chuẩn xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.

Từ khóa: Nâng cao chất lượng; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học; trường chính trị Nguyễn Chí Thanh; trường chính trị đạt chuẩn.

 

* Về chất lượng và giá trị lan tỏa

Trong thời gian qua, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức cho viên chức tham gia hoạt động hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học các cấp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Xuất phát từ nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của hoạt động tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học các cấp nên Nhà trường đã tổ chức 23 hội thảo khoa học các cấp (trong đó, 01 hội thảo cấp Bộ, 05 hội thảo khoa học cấp tỉnh, 17 hội thảo, tọa đàm cấp trường).

 Các hội thảo tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó đã góp phần phục vụ tốt việc hoạch định chủ trương phát triển địa phương. Thông qua hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp đã tạo cơ hội, điều kiện tốt để cán bộ, giảng viên Nhà trường được tham gia viết bài tham luận, được trao đổi học thuật và tích lũy kiến thức thực tiễn từ các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia thực tiễn. Số lượng và chất lượng hội thảo, tọa đàm các cấp năm sau cao hơn năm trước.

 Quá trình tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học các cấp đã được Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các bộ phận chức năng bảo đảm đúng theo qui định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời, luôn tin tưởng vào đội ngũ viên chức, giảng viên nên đã phát huy được sự sáng tạo của từng khoa phòng, từng viên chức, giảng viên của nhà trường trong tổ chức hội thảo, tọa đàm cấp khoa, phòng.

Phát động và duy trì thường xuyên phong trào nghiên cứu khoa học nói chung, phong trào thi đua giữa viên chức, giảng viên; giữa khoa, phòng trong tham gia hội thảo, tọa đàm khoa học. Mời các chuyên gia về tổ chức hội thảo, tọa đàm các cấp trực tiếp tập huấn cho viên chức, giảng viên (kết cấu của từng loại bài hội thảo, tọa đàm từng cấp; cách khai thác thông tin; phương pháp biên tập, phản biện bài viết; kỹ năng đối thoại, trao đổi tại hội nghị hội thảo, tọa đàm, kỹ năng điều hành hội thảo, tọa đàm,….). Chủ động mở lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu khoa học cho toàn bộ đội ngũ để nâng cao năng lực tham gia viết bài của giảng viên, viên chức.

 Chủ đề tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp đều bám sát nội dung của chương trình đào tạo, bồi dưỡng và những yêu cầu trong tiêu chuẩn trường chính trị đạt chuẩn.  Nội dung bài viết tham gia hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp đều đạt chất lượng khá cao, từng bài viết không chỉ thể hiện tâm huyết của viên chức, giảng viên của Trường trong nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần tổng kết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn hoạt động ở một số ngành, địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở qui trình chung của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Giám hiệu ban hành văn bản cụ thể hóa, thống nhất qui trình tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học từng cấp chặt chẽ, tỉ mỉ để áp dụng thống nhất trong toàn trường. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến “ứng dụng kết quả Hội thảo, tọa đàm vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng”, xem đây là một bước bắt buộc trong qui trình.

Ban Giám hiệu nhà trường luôn chủ động xây dựng, củng cố các mối quan hệ phối hợp trong tỉnh, ngoài tỉnh  để tổ chức hội thảo cấp Bộ, cấp Tỉnh.

Kiện toàn Ban biên tập hội thảo, tọa đàm khoa học theo hướng “động mở”. Ban Giám hiệu nhà trường đã kiện toàn Ban biên tập nội dung hội thảo, tọa đàm các cấp. Không nhất thiết các thành viên Hội đồng khoa học đều là thành viên Ban biên tập. Thành viên Ban biên tập thường là những viên chức, giảng viên có trình độ tiến sỹ, từng có bài viết ISSN, phải có trình độ chuyên môn chuyên sâu phù hợp với chủ đề bài phản biện vừa phải có uy tín, tâm huyết trong biên tập. Đồng thời, tăng cường mời phản biện bài viết độc lập ngoài trường. Thường xuyên đánh giá chất lượng thành viên Ban biên tập, kịp thời điều chỉnh thành viên Ban biên tập theo hướng “động, mở” nhằm nâng cao chất lượng biên tập các bài viết hội thảo, tọa đàm.

Đa dạng và mở rộng thành phần tham gia hội thảo, tọa đàm. Trong các hội thảo, tọa đàm đều mời các cán bộ lãnh đạo có uy tín trong tỉnh, các học viên có kinh nghiệm, năng lực hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học trong, ngoài trường, ngoài tỉnh tham gia viết bài và tham dự trực tiếp phát biểu thảo luận tại các buổi hội thảo, tọa đàm, điều đó đã làm tăng thêm sự chuyên nghiệp, sự tin tưởng của những người tham dự, giúp củng cố thêm hình ảnh, thương hiệu của nhà trường.

 

Trong quá trình thực hiện đã phác thảo tiêu chí để xây dựng được mô hình tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học là “mô hình 3C và 1K” (3C: chủ đề độc đáo, chất lượng lan tỏa, chuyên nghiệp trong tổ chức; 1 K là kết quả ứng dụng thực tế). Điều này, đã góp phần lan tỏa điển hình trong đội ngũ viên chức, giảng viên.     Đã xây dựng được 2 đơn vị điển hình tiên tiến trong tổ chức tọa đàm cấp khoa, phòng và nhân rộng mô hình hiệu quả này ra toàn trường. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên.

Kết quả tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học đã hình thành được một hệ thống các tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ công tác giảng dạy và học tập cho các hệ đào tạo của Nhà trường.    

Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả lan tỏa như trên, Nhà trường đã đạt và vượt mức chuẩn về tổ chức hội thảo, tọa đàm trong kết quả đánh giá công nhận Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đạt chuẩn mức 1. Qua đó, đã góp phần đưa Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đạt chuẩn mức 01 vào tháng 11.2023, sớm hơn 01 năm so với kế hoạch. 

* Hạn chế và giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học hướng đến đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp đang đặt ra những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Chất lượng tham gia hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp chưa đồng đều trong đội ngũ giảng viên, viên chức; việc thực hiện “mô hình 3C và 1K” mới chỉ dừng lại ở một số khoa điển hình, chưa bảo đảm tính toàn diện trong 05 khoa, phòng; phương pháp tổ chức một số hội thảo, tọa đàm còn khá cứng nhắc, tính linh hoạt chưa cao; một số hội thảo số lượng các tác giả đọc bài tham luận còn khá nhiều nên thời gian thảo luận, trao đổi còn khiêm tốn; việc đánh giá vận dụng kết quả hội thảo vào thực tế còn khiêm tốn; số lượng hội thảo cấp tỉnh, cấp bộ còn đang khiêm tốn so với tiêu chí tổ chức hội thảo cấp tỉnh và tương đương khi xây dựng trường đạt chuẩn mức 02.

Để tiếp tục khẳng định kết quả đạt được và nâng cao chất lượng tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp để giữ vững chuẩn mức 01 hướng đến mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí nhằm xây dựng trường đạt chuẩn mức 02 vào năm 2030, cần quan tâm thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và năng lực tham gia viết bài của đội ngũ giảng viên, viên chức

Tuyên tuyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của viên chức, giảng viên về những nội dung liên quan đến qui trình tổ chức hội thảo, tọa đàm các cấp bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Công khai qui trình, yêu cầu của từng loại hội thảo, tọa đàm trên trang thông tin nội bộ nhà trường.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các đồng chí trong Ban Giám hiệu, trưởng, phó các khoa, phòng trong công tác lãnh chỉ đạo và trực tiếp viết bài tham gia hội thảo, tạo đàm các cấp. Yêu cầu các trưởng, phó khoa, phòng phải đăng ký viết bài và nộp bài sớm hơn so với thời hạn được qui định từ 3 đến 5 ngày để làm gương tiêu biểu cho viên chức, giảng viên.

Thứ hai, chú trọng việc lên ý tưởng chủ đề cho hội thảo, tọa đàm từng cấp theo từng quí, xem đây là linh hồn của hội thảo, tọa đàm các cấp.

 Tùy từng cấp hội thảo, tọa đàm các cấp mà chủ thể được giao nhiệm vụ chủ trì phải lên ý tưởng từng chủ đề. Chủ đề hội thảo luôn bảo đảm yêu cầu ngắn gọn, thể hiện được mục đích và thông điệp của hội thảo cũng như những lợi ích mà người tham gia nhận được. Đối với tọa đàm các cấp cần tạo nội dung hấp dẫn, ý tưởng sáng tạo.

Chủ đề hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp cần được chọn lựa theo chuyên đề, chủ đề thường gắn nhiệm vụ chuyên môn của từng khoa, phòng, nhiệm vụ của Trường hoặc nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Thứ ba, tăng cường số lượng các hội thảo cấp tỉnh, cấp bộ, đa dạng hóa lực lượng tham gia hội thảo, tọa đàm khoa học.

Tiếp tục tranh thủ sự lãnh chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân tỉnh. Huy động sự tham gia của đa dạng các lực lượng tham gia vào hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp để xây dựng ý tưởng hội thảo cấp bộ, cấp tỉnh và trong triển khai thực hiện trên thực tế bảo đảm tính đồng bộ với định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của tỉnh theo từng mảng chủ đề trong năm.

    Tích cực huy động sự tham gia của các giảng viên ngay từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện và tổng kết kết quả tổ chức hội thảo, tọa đàm các cấp. Khi lập kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học cần bảo đảm nguyên tắc “Tập trung dân chủ”. Theo đó, các khoa phòng họp bàn thống nhất đề xuất chủ đề, cấp độ hội thảo, tọa đàm khoa học. Đề xuất sẽ được cho Phòng Quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học tập hợp trình Hội đồng khoa học nhà trường xem xét quyết định. Xác định rõ chủ thể chủ trì, chủ thể tham gia, phối hợp. Tổ chức để viên chức, giảng viên đăng ký tên bài viết tham gia hội thảo, tọa đàm các cấp. Rà soát lại tên và điều chỉnh, bổ sung để thống nhất chủ đề các bài viết tham gia, bảo đảm không bị trùng tên.

     Thứ tư, đổi mới qui trình thực hiện hội thảo, tọa đàm khoa học

Tăng cường chỉ đạo các khoa, phòng lập kế hoạch hội thảo, tọa đàm cho cả năm trên cơ sở kế hoạch tổ chức hội thảo, tọa đàm theo đặc điểm của từng quí hoặc gắn với những này lễ lớn trong năm. Ví dụ: Ban giám hiệu sẽ lựa chọn trong quí 1 thường tổ chức hội thảo khoa học cấp trường về lịch sử và công tác Đảng (gắn với ngày thành lập Đảng 3/2); quí 2 thường tổ chức hội thảo gắn với Hồ Chí Minh (ngày 19/5); quí 3 tổ chức hội thảo gắn với nhà nước và pháp luật (ngày 2/9); quí 4 tổ chức hội thảo về ngày thành lập trường (16/11), kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11)…

Trong tổ chức hội thảo, tọa đàm các cấp, Ban Tổ chức hội thảo cần thống nhất dự thảo nội dung, thời gian trình bày của các chuyên gia. Khi mời chuyên gia đến hội thảo, tọa đàm, Ban tổ chức luôn lên danh sách câu hỏi cùng kịch bản cụ thể cả về nội dung lẫn thời gian cho chuyên gia. Điều này sẽ giúp thống nhất được về nội dung của hội thảo, tọa đàm cũng như về thời gian chuyên gia trình bày, nhờ vậy các buổi hội thảo, tọa đàm của nhà trường luôn diễn ra suôn sẻ, đúng thời gian và không bị kéo dài, đúng mục tiêu định hướng.

     Trong buổi Hội thảo, tọa đàm, giảm lượng thời gian trình bày, tăng thời gian trao đổi, thảo luận. Mời các chuyên gia, các nhà khoa học lên hội nghị bàn tròn. Áp dụng sáng tạo cách thức tổ chức hội thảo, tọa đàm các cấp theo phương pháp bể cá.

Thứ năm, tạo động lực cho viên chức, giảng viên nâng cao hiệu quả tham gia hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp.

Xây dựng cơ chế nhằm tạo động lực cho viên chức, giảng viên thông qua nhiều hình thức: (1) khuyến khích viên chức, giảng viên đề xuất chủ đề chung và nội dung chi tiết của chủ đề trong từng cấp hội thảo, tọa đàm khoa học; (2) nêu gương viên chức, giảng viên điển hình trong đề xuất ý tưởng, chủ đề và bài viết có chất lượng; (3) có cơ chế đánh giá thường xuyên và công bằng về mức độ tham gia hội thảo, tọa đàm của từng người viên chức, giảng viên; (4) có hình thức khen thưởng chuyên đề về hội thảo, tọa đàm cuối năm để tạo động lực để họ làm việc và cống hiến.

Tăng cường công tác đánh giá, thẩm định các giá trị từ hội thảo tọa đàm mang lại, chất lượng ứng dụng kết quả hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học vào công tác đào tạo bồi dưỡng của nhà trường. Sau mỗi lần tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các khoa, phòng tổ chức để viên chức, giảng viên đăng ký ứng dụng kết quả hội thảo vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm, sẽ thống kê số lượng các đầu việc đã ứng dụng kết quả hội thảo, xem đó là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng viên chức, giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ sáu, xây dựng khoa, phòng điển hình trong từng cấp hội thảo, tọa đàm khoa học cụ thể.

Cần tổ chức cho các khoa, phòng đăng ký và thực hiện nhiệm vụ “chủ trì hoặc tham mưu trong tổ chức hội thảo, tọa đàm theo từng cấp của khoa, phòng mình”. Theo đó, luân phiên đăng ký thực hiện giữa các khoa, phòng. Ví dụ: đối với hội thảo khoa học cấp tỉnh: năm 2024  Khoa Lý luận cơ sở chủ trì tham mưu cho Nhà trường; năm 2025 sẽ đến Khoa Nhà nước và Pháp luật; năm 2026 sẽ là Khoa Xây dựng Đảng. Hội thảo khoa học cấp trường cũng được luân phiên nhau giữa các khoa, phòng, bảo đảm hàng năm có ít nhất 3 hội thảo cấp trường. Về tọa đàm khoa học các cấp bảo đảm 1 khoa, phòng sẽ phải tổ chức tọa đàm 1 lần/1 năm. Sau 3 năm thực hiện, Hội đồng khoa học nhà trường sẽ đánh giá chất lượng thực hiện của từng khoa, phòng trên các tiêu chí cụ thể, so sánh chất lượng thực hiện và bình xét khoa, phòng nào điển hình trong thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ bảy, gắn kết quả hội thảo, tọa đàm khoa học vào công tác thực tiễn của địa phương

Sau khi hội thảo, tọa đàm khoa học thành công, Ban giám hiệu cần chỉ đạo ứng dụng kết quả hội thảo, tọa đàm vào tổng kết thực tiễn, gửi kết quả dự kiến ứng dụng thực tiễn gửi cho tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh để tham mưu hoạch định chính sách cho tỉnh và tọa niềm tin cho lãnh đạo tỉnh quan tâm cấp kinh phí.

Đồng thời, Ban giám hiệu nhà trường cần tăng cường chọn lựa kết quả của một số hội thảo các cấp để xuất bản thành sách, tập tài liệu tham khảo hoặc chỉ đạo nâng cấp viết thành các bài tạp chí trong nước, bài nội san để lan tỏa kết quả ứng dụng của hội thảo.

Tóm lại, những kết quả đạt được trong tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học của Nhà trường đã minh chứng cho sự sáng tạo của Ban giám hiệ nhà trường trong hoàn thành vượt chuẩn các tiêu chí về nghiên cứu khoa học khi xây dựng Nhà trường đạt chuẩn mức 01. Để tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp cần phải quan tâm thực hiện các biện pháp cơ bản để lan tỏa, phát huy được những giá trị của nó trong nhận thức và hành động của đội ngũ viên chức, giảng viên, tạo thành thế và lực mới góp phần xây dựng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030./.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo kết quả Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tỉnh Thừa Thiên Huế đạt chuẩn mức 1 tháng 10.2023

2. Quyết định số 6468- QĐ/HVCTQG ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh ban hành Quy chế nghiên cứu khoa học của các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

 

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày