Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 20
Một vài ý kiến trao đổi về nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh.
Ngày cập nhật 26/04/2016

Nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của người giảng viên. Trên cơ sở những kiến thức lý luận, quan trọng hơn người giảng viên phải tiến hành xem xét kiểm nghiệm những biểu hiện, ảnh hưởng, tác động của lý luận trong thực tiễn để có cơ sở hiểu sâu và nắm bắt được lý luận. Qua nghiên cứu thực tế sẽ giúp cho giảng viên nâng cao được kỹ năng thiết kế phần hướng dẫn nghiệp vụ, ví dụ minh hoạ, liên hệ thực tiễn trong bài giảng.

Trong thời gian qua, nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ được lãnh đạo Nhà trường, các khoa phòng và từng cán bộ, giảng viên quan tâm thực hiện khá tốt. Kết quả đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng công tác đào tạo của trường. Nhận thức của lãnh đạo các khoa phòng và Nhà trường cũng như toàn bộ giảng viên, cán bộ về tầm quan trọng và tính tất yếu của hoạt động nghiên cứu thực tế trong công tác giảng dạy ngày một sâu sắc hơn. Các khoa phòng đã nỗ lực, tìm tòi những đề tài có tính thời sự, gắn với công tác của khoa phòng cũng như phục vụ cụ thể cho từng chuyên đề được chuẩn bị để lên lớp. Một số giảng viên còn kết hợp để viết đề tài khoa học. Qua mỗi năm, hoạt động khoa học của Nhà trường đã thực sự có những bước tiến bộ so với trước.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ giảng dạy nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung trong tình hình mới, theo tôi chất lượng nghiên cứu thực tế của Nhà trường cần được chú trọng trên mấy mặt như sau:

1)   Về phía lãnh đạo các các khoa, phòng: Tuỳ theo nhiệm vụ chuyên môn và nhân sự để phân đề tài nghiên cứu thực tế ra thành từng mảng, có kế hoạch tổ chức đi nghiên cứu thực tế theo hai hướng: gồm cả khoa phòng hoặc từng cá nhân tham gia (tuỳ mức độ quan tâm vấn đề của từng giảng viên mà khoa phòng có sự phân công hoặc đăng ký ngay từ đầu năm). Gắn trách nhiệm vận dụng kết quả nghiên cứu thực tế cho từng giảng viên, thông qua đăng ký bài viết trên Thông tin lý luận và thực tiễn của Nhà trường, các tạp chí bên ngoài và liên hệ vào từng bài giảng. Tổ chức cho giảng viên báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế cá nhân vào cuối năm. Xem kết quả báo cáo là cơ sở để đánh giá thi đua, khen thưởng của giảng viên.

 Lãnh đạo khoa phòng phải chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp tổ chức nghiên cứu thực tế bảo đảm khoa học, hiệu quả không chỉ đối với giảng viên khoa, nhà trường mà còn có hướng đến mục đích góp phần tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, gợi mở những mô hình, cách làm hay ở địa phương khác cho địa bàn nghiên cứu. Tăng cường đi nghiên cứu thực địa về thôn, tổ, bản, chi, tổ, hội cụ thể. Sử dụng phương pháp thu thập thông tin qua chụp ảnh, ghi âm, quay lại các clip. Điều đó, sẽ góp phần gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn giảng viên đi thực tế với địa bàn cơ sở, thể hiện được tính chất đặc thù trong nghiên cứu thực tế của giảng viên, tạo sự sinh động trong báo cáo, phản hồi kết quả nghiên cứu thực tế cho cơ sở và Nhà trường.

2)   Nhà trường, các khoa phòng có kế hoạch trao đổi với địa phương về vấn đề, đề tài cần nghiên cứu ngay từ đầu năm để địa phương có sự chuẩn bị. Thời gian qua, trong từng đợt chuẩn bị đi thực tế, các khoa phòng đã có "đặt hàng" với địa phương (trong công văn gửi đến trước khoảng 2 tuần) song vì ít thời gian và địa phương không chủ động nên chất lượng thông tin được chuẩn bị còn hạn chế. Tình trạng lãnh đạo địa phương đọc báo cáo và đoàn nghiên cứu dò báo cáo diễn ra khá nhiều. Cách làm này vừa mất thời gian nhưng hiệu quả thu được rất thấp.

3)   Sản phẩm nghiên cứu cần được tổ chức đánh giá (thông qua các hội nghị khoa học tại từng khoa phòng và Nhà trường) một cách thường xuyên, có căn cứ khoa học, được thẩm định bởi Hội đồng khoa học Nhà trường. Đặc biệt lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các khoa, phòng, giảng viên có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động thực tiễn cần tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động đi nghiên cứu thực tế để định hướng, thẩm định sản phẩm nghiên cứu thực tế để tạo động lực, khuyến khích trong cán bộ, gíảng viên Nhà trường.

4)   Lãnh đạo nhà trường cần chú trọng tăng cường phản hồi thông tin với cơ sở nghiên cứu, dành thời gian (1 buổi) để đoàn nghiên cứu trao đổi lại với địa phương kết quả nghiên cứu thực tế về cuối đợt. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn: Thứ nhất, bản thân từng người nghiên cứu trong đoàn ít nhiều vẫn mang tính chủ quan, cho nên việc trao đổi lại để thông tin được xác thực. Hơn nữa kết quả nghiên cứu đuợc nếu không kịp thời tổng hợp sắp xếp hệ thống rất dễ bị rơi rụng. Qua phương pháp trao đổi lại qua bản tổng hợp Word và Powerpoint, qua hình ảnh, video, clip với sự đóng góp ý kiến của các thành viên trong đoàn cũng như của địa phương, sẽ làm cho sản phẩm nghiên cứu thực tế hoàn thiện hơn. Thứ hai, về phía địa bàn cơ sở: những trao đổi, gợi ý, khuyến nghị qua nghiên cứu thực tế của giảng viên có cơ sở lý luận chắc chắn sẽ đem lại ý nghĩa nhất định cho cơ sở. Do đó, họ cũng mong muốn được biết và nhận thức sâu sắc hơn về những việc hiệu quả hay chưa hiệu quả trên thực tế của địa phương.

5)   Tăng cường đầu tư kinh phí và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu thực tế:

- Tăng mức đầu tư bồi dưỡng các báo cáo của Báo cáo viên ở địa phương từ 300.000 đồng/báo cáo cấp xã phường lên 400.000đồng/báo cáo; Báo cáo cấp huyện, Tỉnh từ 300.000đ/báo cáo lên 500.000 đồng/báo cáo. Hiện nay, theo quy định của trường, chỉ đi nghiên cứu thực tế trên 30km mới được hỗ trợ xe ô tô và công tác phí. Nhiều đoàn đi nghiên cứu của khoa phòng ở địa bàn xã dưới 30km phải đi xe máy nên không tập trung, bị lạc nhau, không kịp giờ tập trung nghe báo cáo. Do vậy, lãnh đạo nhà trường cần tạo điều kiện cho đoàn đi được sử dụng xe ô tô và vận dụng cấp khoản kinh phí khi nghiên cứu ở địa bàn các xã dưới 30 km nhằm bảo đảm sự an toàn, tập trung của các thành viên trong đoàn và góp phần động viên giảng viên tích cực, sáng tạo hơn trong nghiên cứu thực tế.

- Từ trước đến nay, nội san của nhà trường có khá nhiều bài viết liên quan đến nghiên cứu thực tế nhưng một năm chỉ có 1-2 bài liên quan nên ý nghĩa từ kết quả nghiên cứu thực tế của từng giảng viên chưa tạo được sức lan toả và thi đua sâu rộng. Do vậy, lãnh đạo nhà trường cần phải ra chuyên san về nghiên cứu thực tế của trường trong năm nhằm tạo điều kiện để các giảng viên có dịp trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu thực tế trong trường và các trường bạn trong toàn quốc.

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của Nhà trường, điều cần thiết và quan trọng là phải thực hiện sự chuyển biến thực sự, đồng bộ từ nhận thức đến hành động của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa, phòng cũng như mỗi cán bộ, giảng viên trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thực tế. Hy vọng, những gợi mở trên đây sẽ được nhà trường và các khoa phòng quan tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của Trường chính trị Nguyễn Chí Thanh trong thời gian tới.

Th.s Lê Thị Hằng -Trưởng Khoa Dân vận
       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày