Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.236.512
Truy cập hiện tại 9
VẬN DỤNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY BÀI “MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC” TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LLCT
Ngày cập nhật 24/06/2024

VẬN DỤNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY BÀI “MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC” TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LLCT

                                                                            ThS. NGUYỄN THỊ HÀ

                                                                    Giảng viên Khoa xây dựng Đảng

Việc nghiên cứu những quan điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra và là một yêu cầu mang tính bắt buộc đối với mỗi giảng viên ở các Trường Chính trị. Nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được vận dụng trong nhiều môn học thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, trong đó có phần học “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước ta hiện nay có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự quy định này là do yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng. Vai trò của Mặt trận không phải tự Mặt trận đặt ra mà là do chính nhân dân, chính lịch sử thừa nhận.

Bài “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” là bài đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng đối với cả phần học. Khi nghiên cứu vận dụng nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào soạn và giảng bài, cần chú ý những vấn đề mới sau:

Thứ nhất: Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Vận dụng vào mục 1.2.2. Vai trò). 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt chính trị và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội” (t.1, tr.172). Về vấn đề này,  thì đến Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị” của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, củng cố khối đoàn kết dân tộc. Đây là điểm mới giảng viên cần nhấn mạnh để học viên thấy được sự phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ đó hướng dẫn học viên vận dụng quan điểm này vào thực tiễn quá trình công tác của mình, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở nhận thức rõ hơn về vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở.

Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định: Kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (t.1,tr.27). Khi giảng viên phân tích về phương châm này, cần nhấn mạnh vấn đề “Dân giám sát, dân thụ hưởng” là một nội dung hoàn toàn mới, phù hợp cả về lý luận và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Khi mọi công việc, mọi vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống của xã hội mà người dân đều được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát và thụ hưởng chắc chắn sẽ không có ai phản đối về quyền lợi chính đáng mà mình là người thực hiện và cũng chính mình là người được thụ hưởng.. Sáu yếu tố này có quan hệ thống nhất hữu cơ, biện chứng với nhau trong hệ thống tư tưởng “dân chủ” của Đảng vì mục tiêu tối thượng của Đảng Cộng sản Việt Nam là vì dân, lấy “dân là gốc” để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ hai: Về nguyên tắc xây dựng khối đoàn kết (Vận dụng vào phần 3.1. Nguyên tắc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc).

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng  định: “Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (t.1, tr.172). Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cách mạng là sự đồng sức, đồng lòng của toàn dân, là sự đoàn kết “muôn người như một” dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Lòng dân” là cội nguồn sức mạnh của đất nước; là khái niệm chỉ trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng của người dân với chế độ xã hội và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội. Sức mạnh “lòng dân” chính là sức mạnh của dân tộc. Lòng dân yên ổn thì đất nước vững vàng, phát triển. Vì vậy, ở nội dung này giảng viên sẽ giúp học viên nắm rõ nguyên tắc thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận trong xã hội của Mặt trận Tổ quốc từ đó vận dụng hiệu quả trong việc tuyên truyền vận động phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân ở địa phương mình.

  Thứ ba: Về phương thức xây dựng khối đoàn kết (Vận dụng vào phần 3.2. Phương thức tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc).

Phương thức tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải mang tính đặc thù của liên minh chính trị, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ cách mạng.

Giảng viên giúp cho học viên nhận thức đây là lần đầu tiên, Văn kiện XIII đề cấp đến vấn đề khát vọng phát triển đất nước gắn với phương thức tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết của Mặt trận: “Mặt trận phải tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (t.1, tr.215). 

Trong tuyên truyền, vận động, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương công tác của Mặt trận; tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức phù hợp với các đối tượng có trình độ nhận thức, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và vùng miền khác nhau. Quan tâm đúng mức việc tuyên truyền, tập hợp, đoàn  kết đồng bào các dân tộc thiểu số; kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên truyền, vận động, đoàn kết đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thông qua việc tiếp xúc, thăm hỏi, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo. Tuyên truyền, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng cộng đồng vững mạnh, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước.

Tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” và Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”.

Tuyên truyền, vận động là một trong những phương thức cơ bản để Mặt trận Tổ quốc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

  Như vậy, Đại hội XIII đã bổ sung những điểm mới về vai trò, nguyên tắc và phương thức vận động tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần cập nhật, vận dụng những điểm mới nhằm gắn lý luận gắn với thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.88.

2.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr.168.

3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị  “Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội năm 2021.

4. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

5. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015).

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày