Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 50
SÁNG TẠO TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN – LUẬN CỨ PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA THẾ LỰC THÙ ĐỊCH. TS. Lê Thị Hằng Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Ngày cập nhật 28/09/2023

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về vấn đề dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân.  Đó kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng dân chủ lên một tầm cao mới vừa mang tính khoa học, vừa mang tính dân tộc sâu sắc. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch liên tục chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm làm cho hệ tư tưởng Hồ Chí Minh bị nhận thức sai lệch về bản chất trong xã hội. Chúng cho rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân nói riêng không có gì mới, sáng tạo mà thực chất chỉ nhắc lại những tư tưởng trước đó, đặc biệt là Mác và Ăng ghen, V.Lênin”. Điều này, đòi hỏi chúng ta phải có những lập luận chống lại luận điểm xuyên tạc này nhằm làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, xây dựng nhà nước với tư cách là một bộ phận không thể tách rời của chủ nghĩa Mác Lê Nin nhưng thể hiện sự độc lập, sáng tạo của một nhà tư tưởng lớn của dân tộc ta.


                                                                                                                                                                                                                                                         

        * Quan niệm về dân chủ xã hội chủ nghĩa của các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác Lê Nin

       Luận giải về dân chủ xã hội chủ nghĩa, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác Lê Nin đề cập đến ba khía cạnh: trên phương diện quyền lực, dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ nhân của nhà nước, quyền lực nhà nước thuộc sở hữu của nhân dân; trên phương diện chế độ xã hội và trong lĩnh vực chính trị, dân chủ là một hình thức nhà nước là chế độ dân chủ; trên phương diện tổ chức và quản lý xã hội, dân chủ là một nguyên tắc – nguyên tắc dân chủ kết hợp với tập trung để hình thành nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý xã hội.

       Có thể nhận thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác Lê nin đã khái quát toàn diện về bản chất dân chủ, phương thức thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, làm rõ điểm khác biệt giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản.

         * Sự sáng tạo, phát triển trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn liền với quyền làm chủ của nhân dân với cơ chế “dân là chủ” “dân làm chủ” .

        Trên cơ sở kế thừa các quan điểm của các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển luận điểm về dân chủ theo hướng dân chủ là quyền làm chủ của nhân dân, nhân dân “là chủ” và nhân dân “làm chủ”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1); “Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(2); “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(3). Người đã huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình, góp phần to lớn đưa dân tộc Việt Nam tới độc lập, tự do, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn.

         Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện qua quyền làm chủ của nhân dân, cụ thể:

          Thứ nhất, bản chất quyền làm chủ nhân dân được Người thể hiện ở luận điểm khẳng định “Dân là chủ” và “dân làm chủ” nghĩa là mọi quyền hành đều ở nơi dân. Người chỉ rõ, địa vị của nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và nhân dân là chủ thể của quyền lực. Người khẳng định "Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" (4). Có thể nói, đây là "Tuyên ngôn" về quyền lực chính trị và bản chất của chế độ chính trị dân chủ nhân dân của nước ta. Tư tưởng của Người khẳng định bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đó là “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, rằng “chính quyền dân chủ nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”; một khi nước ta trở thành nước dân chủ, thì dân chủ là “dân là chủ” và “dân làm chủ” thì Chủ tịch, bộ trưởng, thủ trưởng, ủy viên này khác…làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng” (5). Người đã phân định rõ vị trí của nhân dân và những người đại diện cho chính quyền nhân dân.

       Tư tưởng dân là chủ, dân làm chủ còn được phản ánh qua thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người Sau cách mạng Tháng Tám, với việc thiết lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhân dân ta đã từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ. Người phản ánh sự đổi đời ấy trong một phạm trù hết sức chính xác: "làm chủ" và "người chủ". Thông qua đó, Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh đến tính chủ động của nhân dân lao động trong việc quyết định vận mệnh của mình.

        Khi đề cập đến dân chủ, nếu các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác -Lê nin nhấn mạnh: "Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số”, “Dân chủ tự do chính trị cho mọi công dân” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sâu sắc hơn quyền làm chủ của nhân dân không có giới hạn, dân phải thực sự là chủ thể của xã hội và hơn nữa dân phải được làm chủ một cách toàn diện. Dân làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội và làm chủ chính bản thân mình, làm chủ và sở hữu mọi năng lực sáng tạo của mình với tư cách chủ thể đích thực của xã hội. Ngoài ra, người dân có quyền làm chủ bản thân, nghĩa là có quyền được bảo vệ về thân thể, được tự do đi lại, tự do hành nghề, tự do ngôn luận, tự do học tập,... trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

         Thứ hai, vì sao dân có quyền hạn to lớn như vậy. Người giải thích: dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Nhân dân đã cung cấp cho Đảng những người con ưu tú nhất. Lực lượng của Đảng có lớn mạnh được hay không là do dân. Nhân dân là người xây dựng, đồng thời cũng là người bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ của Đảng. Do vậy nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ chế độ, làm chủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

       Thứ ba, phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là gì, cần phải làm gì để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

        Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân có quyền làm chủ các tập thể, làm chủ địa phương, làm chủ cơ quan nơi mình sống và làm việc. Người dân có quyền làm chủ các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội thông qua hình thức bầu cử và bãi miễn.

       Phương thức thực hiện quyền làm chủ của người dân được thực hiện gắn liền với vấn đề chăm lo lợi ích của dân, đồng thời đi đôi với thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ. Hồ Chí Minh cho rằng dân là chủ và làm chủ là để thực hiện lợi ích của mình. Người quan điểm rằng: nước ta là nước dân chủ, mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Dân làm chủ mà tách rời lợi ích là dân làm chủ hình thức. Nhân dân có nhiều lợi ích: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

         Dân chủ phải gắn với quyền hạn. Mọi người dân đều có quyền làm, quyền nói. Không quy định rõ quyền của người dân thì không thể nói gì đến quyền làm chủ của dân. Có quyền hạn thì người dân mới có điều kiện thực hiện lợi ích của mình. Hơn nữa, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ. Theo Hồ Chí Minh, ngày nay tất cả mọi người đều phải nhận rõ mình là người chủ nước nhà. Đã có quyền hạn làm chủ thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ. Đó là nghĩa vụ xây dựng nước nhà, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và tuân theo pháp luật...

         Làm thế nào để dân thực hiện được quyền làm chủ của mình. Theo Hồ Chí Minh, người dân chỉ có thể thực hiện được quyền làm chủ khi có một cơ chế bảo đảm  quyền làm chủ của họ. Đảng phải lãnh đạo xây dựng được một Nhà nước của dân, do dân, vì dân; với hệ thống luật pháp, lấy việc bảo vệ quyền lợi của dân làm mục tiêu hàng đầu, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

       Có thể khẳng định, những luận điểm trên trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân không phải là sự “sao chép lại” quan điểm về dân chủ của các nhà kinh điển mà đã có sự gắn bó mật thiết, không tách rời nền tảng quan điểm của Mác- Lê nin, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải sâu sắc, toàn diện hơn, góp phần phát triển quan điểm về dân chủ và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa của Mác – Ăng ghen- Lê nin.

           * Tóm lại

            Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân đã chứa đựng toàn bộ những tinh hoa trong quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê nin về dân chủ xã hội chủ nghĩa kết hợp với tính độc lập, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong cách thức thực hành dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần làm phong phú, phát triển thêm Chủ nghĩa Mác Lê nin phù hợp với đặc điểm của dân tộc Việt Nam là khẳng định không thể phủ nhận trên thực tế./.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.t.8,tr.276

[2, 3, 7,8]. Hồ Chí Minh, Sđd, tâp 5, tr.293; tr.409-410; tr.698-700tr.409-410.

[4] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.515, tr.276.

[5]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. Sđd, t. 8, tr. 375

 

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày