Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 31
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CỦA CÁC KHOA GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ NGUYỄN CHÍ THANH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY – TỪ THỰC TIỄN KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG
Ngày cập nhật 28/09/2023

                                                                                                                                                                                                                                                                         TS. Lê Thị Hằng Trưởng Khoa Xây Dựng Đảng

      Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức ở các trường chính trị phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản như đội ngũ, cơ sở vật chất, đầu vào (học viên) và công tác quản lý. Bên cạnh công tác quản lý của nhà trường nói chung thì công tác quản lý của các bộ phận khoa, phòng cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Vậy, các khoa phải làm thế nào để khẳng định vai trò vị trí của khoa trong đổi mới hoạt động quản lý nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường. Bài viết trao đổi về “ Đổi mới hoạt động quản lý của các khoa nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng của trường chính trị Nguyễn Chí Thanh trong giai đoạn hiện nay- từ thực tiễn của Khoa Xây dựng Đảng”.

 

1. Những giải pháp Khoa Xây dựng Đảng đã thực hiện để đổi mới hoạt động quản lý nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Trong những năm qua, Khoa Xây dựng Đảng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện của Ban giám hiệu nhà trường và sự lãnh đạo định hướng kịp thời, cụ thể của chi bộ nên khoa đã chủ động đề ra những giải pháp sáng tạo xuất phát từ đặc thù của khoa để đổi mới hoạt động quản lý của khoa qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Khoa đã thực hiện những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn Khoa như sau:

           Thứ nhất, phân công trách nhiệm của các thành viên trong Khoa

Trong việc triển khai thực hiện những qui chế, các loại văn bản chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, định hướng sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu khoa học, quản lý hoạt động liên quan đến nâng cao chất lượng giảng dạy của khoa; quản lý hoạt động dự giờ thao giảng, chấm bài, chủ trì các cuộc họp thường kỳ và quản lý giảng viên thực hiện qui chế giảng viên và các qui chế, nội qui trong nội vụ cơ quan,… sẽ do trưởng khoa triển khai. Ngoài  ra  trong  phòng  làm việc của khoa còn niêm yết các văn bản chuyên môn quan trọng hay sử dụng; các văn bản chuyên môn mới để giảng viên tiện theo dõi nhằm thực hiện hoạt động chuyên môn có hiệu quả.

 Trong thực hiện các hoạt động chuyên môn: Phân công cho từng thành viên Khoa là đầu mối phụ trách từng mảng công việc như phụ trách công tác văn bản, báo cáo; nghiên cứu thực tế; theo dõi giờ giảng; theo dõi, giám sát việc thực hiện nề nếp, kỷ cương; mời và quản lý chất lượng giảng dạy của giảng viên thỉnh giảng…

 Thứ hai: Lập kế hoạch cho hoạt động chuyên môn của khoa.

+ Khoa thường lập các kế hoạch kịp thời cho các hoạt động chuyên môn của khoa theo từng tháng, từng tuần, 6 tháng, cả năm và theo đặc trưng từng lớp học như: kế hoạch mời giảng viên thỉnh giảng; kế hoạch thao giảng dự giờ khoa; kế hoạch tổ chức nghiên cứu thực tế của khoa; kế hoạch nghiên cứu khoa học; kế hoạch chấm bài…dành thời gian hợp lý cho giảng viên lập kế hoạch triển khai thực hiện của bản thân.

+  Lập kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng thời gian của các ngày trong tuần. Tùy theo nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng năm học, từng tháng và từng lớp học, kế hoạch giảng dạy của từng giảng viên để có sự thay đổi cho phù hợp. 

Thứ ba, tổ chức cho giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy:

- Đối với hoạt động soạn giáo án của giảng viên.

 Khoa yêu cầu các giảng viên phải soạn giáo án điện tử cho từng đối tượng học viên với phương châm “đối tượng nào, giáo án đó” – gắn chặt với liên hệ thực tiễn, mang tính hướng dẫn nghiệp vụ công tác, thực hành kỹ năng. Giáo án của giảng viên được khoa quản lý, kiểm tra, góp ý về phương pháp, nội dung trước khi lên lớp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong toàn chương trình giảng dạy của khoa và khoa xác định đây là điểm nhấn quan  trọng trong nâng cao chất lượng chuyên môn của khoa. Thực hiện soạn giảng giáo án cho chương trình rút gọn.

        - Đồng thời, khoa tổ chức cho giảng viên thực hiện việc đăng ký giờ giảng có chất lượng theo từng hệ lớp. Khoa yêu cầu từng giảng viên phải đăng ký chuyên đề giảng có chất lượng theo từng tháng, quí, cả năm, đảm bảo một giảng viên phải có ít nhất 1 chuyên đề giảng có chất lượng/ 1 lớp học.

-Thực hiện quản lý việc đánh giá kết quả học tập của học viên qua chấm bài thi, khoa thực hiện thống nhất đáp án, chấm chung từ 2 đến 3 bài, sau đó từng giảng viên chấm độc lập. Đối với những bài có nghi ngờ sao chép hoặc còn vấn đề cần xem xét, giảng viên để lại để cùng thống nhất quan điểm với các thành viên trong khoa, sau đó mới cho điểm chính thức.

Thứ tư, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế cho giảng viên khoa theo đoàn.

Khoa Xây dựng Đảng đã tổ chức 4 lượt đi nghiên cứu thực tế theo đoàn. Thời gian nghiên cứu chia ra thành 2 đợt, đợt 1 vào tháng 3 đến thắng 5; đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 12 (do những nội dung mà khoa cần nghiên cứu thực tế chủ yếu diễn ra vào thời gian này như ngày thành lập Đảng (3/2); ngày dân vận (15/10), ngày phụ nữ Việt nam (20/10), ngày Đại đoàn kết toàn dân, ngày cựu chiến binh (22/12), ngày thành lập đoàn TNCSHCM(26/3)…, mỗi đợt nghiên cứu từ 2 đến 5 ngày. Khoa đã quán triệt việc tổ chức thực hiện nghiên cứu thực tế với  phương châm “chủ động, chu đáo, hiệu quả, đúng qui trình”. Về nội dung nghiên cứu: khoa quán triệt ngoài nội dung nghiên cứu tình hình thực tế của vấn đề nghiên cứu cần phải dành phần lớn thời gian nghiên cứu các phương pháp xử lý tình huống thực tế trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức, hoạt động của đoàn thể tại cơ sở và tập trung vào việc “ trực tiếp quan sát” và “trực tiếp tham gia” các hoạt động diễn ra tại địa bàn nghiên cứu trong thời gian khoa thực hiện nghiên cứu. Khoa sử dụng linh hoạt phương pháp nghiên cứu: trao đổi, phỏng vấn  trực tiếp với chủ thể có thẩm quyền, nghiên cứu tài liệu, báo cáo và trực tiếp “quan sát” các hành vi, hoạt động của cán bộ, công chức trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nội dung nghiên cứu để từ đó giảng viên tự đánh giá, rút kinh nghiệm cho bản thân mình nâng cao chất lượng vận dụng thực tiễn trong giảng dạy.

Thứ năm, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, dự giờ thăm lớp, thao giảng của giảng viên khoa, tổ chức góp ý bài giảng cho giảng viên và kiểm tra giám sát việc thực hiện qui chế của giảng viên trong khoa.

Vào tháng 10 hàng năm, khoa yêu cầu giảng viên tự đăng ký kế hoạch nghiên cứu khoa học, dự giờ thăm lớp, thao giảng của năm sau để khoa xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm sau. Khi khoa tổ chức dự giờ, thao giảng cho giảng viên khoa, khoa sẽ tiến hành việc tổ chức góp ý cho bài giảng mà khoa đã dự giờ, chú trọng vào các nội dung: kết quả đạt được của bài giảng, những lưu ý cần khắc phục, kinh nghiệm bản thân giảng viên dự giờ tự rút ra, những gợi ý cho giảng viên tham khảo để nâng cao chất lượng bài giảng. Đối với những bài giảng do giảng viên khoa thực hiện, khoa sẽ góp ý trực tiếp cho giảng viên trong khi tổ chức góp ý bài giảng, đối với giảng viên thỉnh giảng ngoài khoa, sau khi có kết quả góp ý, trưởng hoặc phó khoa sẽ trực tiếp trao đổi với giảng viên đó nhằm giúp giảng viên chủ động trong nâng cao chất lượng giảng dạy ở những lớp sau.

Đối với việc thực hiện qui chế của giảng viên, khoa luôn quan tâm theo dõi đôn đốc giảng viên khoa thực hiện nghiêm túc. Dựa vào kết quả thực hiện qui chế khoa sẽ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên theo từng tháng. Hàng tháng, giảng viên đều phải báo cáo định kỳ hoặc đột xuất cho khoa về tiến độ thực hiện qui chế của giảng viên và có kế hoạch khắc phục các hạn chế nếu có. Khoa đã cử phó khoa phụ trách có sổ theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ giảng viên của từng giảng viên để làm căn cứ cho việc đánh giá, bình xét cuối năm, bảo đảm tính chính xác, khách quan, không cảm tính, chung chung.

Thứ sáu, về nâng cao năng lực của giảng viên. Chỉ đạo giảng viên khoa chủ động đăng ký kế hoạch tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực giảng dạy theo từng năm, 3 năm để khoa báo cáo với nhà trường để nhà trường có kế hoạch sắp xếp cho phù hợp. Ngoài ra, mỗi giảng viên phải tự mình nâng cao năng lực và chất lượng giảng dạy của giảng viên theo từng tháng, từ đó khoa sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông qua hoạt động dự giờ thăm lớp.

 Thứ bảy, thực hiện thông qua bài giảng và đánh giá kết quả thực hiện hoạt động chuyên môn của giảng viên.

        Khoa thực hiện nghiêm túc, sáng tạo qui trình thông qua bài giảng của giảng viên trong khoa và ngoài khoa khi tham gia các chuyên đề giảng dạy thuộc phần khoa quản lý với 2 loại qui trình thông qua bài: đối với giảng viên lần đầu tiên lên lớp hoặc chưa có kinh nghiệm giảng dạy, qui trình thông qua gồm 5 bước (thông qua giáo án và thông qua giảng thực tế 45-60 phút trên lớp); đối với giảng viên đã có kinh nghiệm giảng dạy, khoa chỉ yêu cầu nộp giáo án và lãnh đạo, quản lý khoa trực tiếp thẩm định, nếu có nội dung cần  điều chỉnh thì sẽ gặp trực tiếp giảng viên đó để trao đổi, khi thấy giáo án đạt chất lượng khoa sẽ làm qui trình đề nghị nhà trường bố trí lịch giảng phù hợp.

Thực hiện sáng tạo việc đánh giá chất lượng hoạt động chuyên môn của giảng viên: Khoa đã yêu cầu mỗi giảng viên tự đánh giá công tác đã làm được trong từng tháng, từ đó đề ra biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trong tháng sau gắn với các chủ đề thi đua do nhà trường và do khoa phát động. Sau đó khoa sẽ họp để đề ra kế hoạch nâng cao chất lượng giảng dạy của khoa trong tháng tiếp theo. Với cách làm này chúng tôi không áp đặt chỉ tiêu cho từng giảng viên nhưng vẫn phát huy tốt phong trào thi đua nâng cao chất lượng giảng dạy đi vào thực chất, không chạy theo hình thức.

Thứ tám, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn khoa

        Căn cứ vào kế hoạch hoạt động của khoa, khoa sẽ lên lịch sinh hoạt chuyên môn khoa theo từng tháng, từng tuần. Tổ chức họp chuyên môn định kỳ 1 tuần/1 lần với thời gian từ 30 phút đến 90 phút. Lịch họp cụ thể sẽ do lãnh đạo khoa thông báo. Nội dung họp: những nội dung mang tính chất hành chính như: nề nếp, thi đua…chỉ chiếm ½ thời gian sinh hoạt, còn ½ thời gian dành đi sâu vào sinh hoạt chuyên môn sâu liên quan trực tiếp đến hoạt động giảng dạy như: triển khai văn bản, nội dung công việc chuyên môn; góp ý đánh giá giáo án, bài giảng; thao giảng, cách tổ chức dự giờ, đổi mới phương pháp giảng dạy; đánh giá kết quả nghiên cứu thực tế do khoa tổ chức, rút kinh nghiệm…

2. Hiệu quả của  những biện pháp trên

Từ khi thực hiện các biện pháp như vừa trình bày ở trên, hoạt động quản lý và kết quả giảng dạy của khoa có nhiều sự chuyển biến tích cực, cụ thể như sau:

- Hoạt  động quản lý của khoa ngày càng có chất lượng, không còn mang tính chất khoán trắng chất lượng chuyên môn cho giảng viên hoặc khoa chỉ làm công việc hành chính hội họp đơn thuần mà khoa đã tập trung chủ yếu vào từng nhiệm vụ chuyên môn của khoa, đặc trưng phần học mà khoa phụ trách, từng ưu điểm, hạn chế của giảng viên để có biện pháp nâng cao chất lượng chuyên môn.

Nội dung công việc chuyên môn của từng giảng viên là khác nhau, có giảng viên vừa giảng dạy chuyên môn của khoa nhưng đồng thời cũng tham gia giảng dạy ở các chuyên ngành của các khoa khác, xong nhờ có kế hoạch hoạt động cá nhân theo tháng, theo tuần nên thuận lợi, đơn giản giúp cho lãnh đạo khoa dễ theo dõi, nắm bắt kịp thời chất lượng giảng dạy và học tập của học viên, từ đó có kế hoạch chỉ đạo, quản lý cho phù hợp.

- Xây dựng được nề nếp hoạt động chuyên môn chung của khoa song vẫn tạo được tính chủ động, phát huy sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng giảng viên phù hợp với đặc điểm của từng giảng viên.

- Chất lượng hoạt động chuyên môn của khoa ngày càng được củng cố vững chắc.  100% giảng viên trong khoa đều hoàn thành và vượt mức giờ chuẩn trong năm. 100% giảng viên khoa đều đạt danh hiệu lao động tiên tiến, trong đó có từ 1 đến 2 giảng viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và cấp cơ sở/ 1 năm. Từ năm 2018 đến nay, có 3 giảng viên được nhận bằng khen của UBND tỉnh và được nâng lương trước thời hạn. Khoa có 2 giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp học viện, kết quả 2 giảng viên đều đạt giảng viên dạy giỏi cấp Học viện và đã được giám đốc Học viện tặng bằng khen “giảng viên dạy giỏi xuất sắc” tại Hội thi. Liên tục 5 năm liền, Khoa được nhà trường xếp loại tập thể khoa tiên tiến xuất sắc. 100% giảng viên trong khoa đã chủ động đăng ký tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Trong 4 năm qua, khoa đã có 2 tiến sỹ, 01 đồng chí đã được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng nhà trường.

3. Bài học kinh nghiệm 

Qua thực tiễn công tác, chúng tôi rút ra các bài học kinh nghiệm trong đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng như sau:

- Lãnh đạo, quản lý khoa phải chủ động trong xây dựng kế hoạch hoạt động: thường xuyên chỉ đạo từng giảng viên xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn cá nhân một cách khoa học, phù hợp với qui chế, nhiệm vụ của giảng viên. Dựa vào đó, khoa sẽ xây dựng các loại kế hoạch hoạt động chuyên môn của khoa theo từng tuần, tháng, quí, sáu tháng và 1 năm trên cơ sở sát thực tế của khoa, từ đó việc thực hiện mới bảo đảm tính khả thi.

- Lãnh đạo, quản lý khoa luôn chủ động, bàn bạc thống nhất biện pháp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của khoa, trên tinh thần vì sự phát triển của khoa, vì chất lượng chuyên môn của khoa để kịp thời đưa ra những quyết định đúng đắn. Khi muốn quyết định một vấn đề gì, lãnh đạo, quản lý khoa luôn bàn bạc dự thảo trước các phương án thực hiện sau đó mới đưa ra họp khoa để chủ động có những định hướng phù hợp với đặc thù thực hiện nhiệm vụ của khoa. Chính sự phối hợp hài hòa, nhịp nhàng, thực hiện đúng trách nhiệm được phân công của các đồng chí lãnh đạo, quản lý khoa đã bảo đảm hoạt động quản lý của khoa ngày càng chuyên nghiệp.

- Phát huy dân chủ trong khoa. Trong quá trình chỉ đạo hoạt động giảng dạy và học tập, người lãnh đạo, quản lý khoa luôn phải chú ý đến việc phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể giảng viên khoa, vì có thể nói người giảng dạy là giảng viên, người đánh giá chất lượng học tập của học viên cũng là giảng viên, mỗi giảng viên đều có tư duy, những sáng tạo, năng lực nghiên cứu và giảng dạy khác nhau. Điều quan trọng là lãnh đạo, quản lý khoa phải biết cách quản lý để “nâng” những sáng tạo mang tính cá nhân của giảng viên trở thành “biện pháp tối ưu” để nâng cao chất lượng chuyên môn của khoa. Do đó, khoa luôn lắng nghe ý kiến phản ánh, những trăn trở của giảng viên và cùng bàn bạc thống nhất biện pháp thực hiện. Chỉ khi nào có sự đoàn kết, thống nhất thực chất trong khoa thì lúc đó khoa mới triển khai thực hiện. 

- Tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch và qui chế giảng viên một cách nghiêm túc, quyết liệt, luôn thể hiện phương châm “ kế hoạch phải được cụ thể hóa bằng việc làm cụ thể trên thực tế”, kiên quyết không để tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” xảy ra trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Mỗi giảng viên phải quán triệt phương châm “lời nói đi đôi việc làm”.

- Thường  xuyên kiểm tra việc thực hiện công việc của từng giảng viên, của khoa và có điều chỉnh, đánh giá kết quả thực hiện kịp thời, tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cho giảng viên.

 

4. Phương hướng thời gian tới

Thứ nhất, khoa tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng giảng dạy của các giảng viên trong khoa. Chỉ đạo giảng viên khoa tiến hành soạn giảng chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ Lào, bảo đảm 100% giảng viên khoa phải có giáo án riêng cho lớp cán bộ Lào. Khoa cần thực hiện việc đánh giá giáo án của giảng viên đối với chương trình này trước khi đề xuất bố trí lịch giảng.

Thứ hai, các giảng viên trong khoa cần thực hiện hoạt động kèm cặp, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao chất lượng giảng dạy. Kết hợp với hoạt động dự giờ của các giảng viên để đánh giá chất lượng của từng bài giảng, bảo đảm khách quan và có biện pháp kịp thời để nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên.

Thứ ba, khoa tiếp tục tích cực thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ thao giảng, dự giờ. Khoa yêu cầu các giảng viên đăng ký lịch dự giờ cụ thể, chuyên đề dự giờ và mục đích dự giờ, sau khi dự giờ xong cần phải đó đánh giá, rút kinh nghiệm. Khi đi dự giờ, khoa cần mẫu hóa sổ thao giảng dự giờ của giảng viên và giảng viên phải nộp lại cho khoa thành 2 lần trong năm(6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm) để khoa biết và khoa phải tổng hợp kết quả dự giờ của từng giảng viên để quản lý.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới sáng tạo hoạt động tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo đoàn, đặc biệt quan tâm đến nội dung nghiên cứu thực tế với phương châm “ sát đối tượng, phù hợp chuyên môn Khoa”, “từ thực tế để kiểm nghiệm lý luận và vận dụng lý luận để giải quyết vấn đề thực tế”. Cần tiếp tục định hướng nội dung nghiên cứu liên quan đến việc thực hiện các kỹ năng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở. Đa dạng hóa nội dung nghiên cứu thực tế theo hướng gắn liền với đối tượng giảng dạy của các hệ lớp. Đổi mới phương pháp tổ chức nghiên cứu thực tế, tăng cường nghiên cứu thực địa, bằng việc đến thăm các mô hình cụ thể, khuyến khích khả năng tự quan sát, trao đổi, tự đánh giá và rút ra những bài học cho bản thân từng giảng viên để có thể vận dụng vào quá trình giảng dạy.

Thứ năm, đổi mới cải tiến hình thức sinh hoạt chuyên môn khoa theo hướng lãnh đạo, quản lý khoa cần chuẩn bị trước các nội dung và gửi trước cho từng giảng viên xem và chuẩn bị nội dung phát biểu trong cuộc họp nhằm giảm thời gian triển khai và tăng thời gian bàn bạc, thảo luận các giải pháp, biện pháp thực hiện, điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các cuộc họp chuyên môn của khoa.

Thứ sáu, khoa chủ động đổi mới công tác thi đua theo hướng mỗi giảng viên chủ động trong việc tự nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện phương pháp giảng dạy lấy chất lượng người học làm tiêu chí quan trọng để đánh giá giảng viên, từng bước hướng đến việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên khoa Xây dựng Đảng để kích thích sự cố gắng nỗ lực của giảng viên./.

 

 

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày