Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 14
ĐẨY MẠNH, PHÁT TRIỂN CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI DU LỊCH - DỊCH VỤ THÔNG MINH Ở THỪA THIÊN HUẾ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY ThS. Đặng Thị Thanh Hà Giảng viên Khoa Xây Dựng Đảng
Ngày cập nhật 28/09/2023
Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Bắt kịp xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch ở nhiều quốc gia đang thúc đẩy áp dụng công nghệ số, đồng thời coi đây là giải pháp đột phá để quảng bá hình ảnh, thu hút du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thừa Thiên Huế là vùng đất có lịch sử lâu đời. Chúa Nguyễn lấy Thừa Thiên Huế làm thủ phủ của Xứ Đàng Trong, vùng đất hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi với tự nhiên là nơi giao thoa đất - trời như núi, sông, biển và lòng người, tạo ra sinh khí cho vùng đất mới. Thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên cho vùng đất này, bao gồm suối nước nóng Thanh Tân, núi Ngự Bình, sông Nước, biển Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương, Phá Tam Giang, Đầm Hai, Vườn quốc gia Bạch Mã. Thêm vào đó, lịch sử văn hoá của 13 triều vua nhà Nguyễn, hình thành 143 năm (1802 - 1945), đã để lại một di sản văn hoá lịch sử đồ sộ, làm giàu thêm giá trị văn hoá của Thừa Thiên Huế. Đến nay, Thừa Thiên Huế được UNESCO công nhận nhiều di sản vật thể và phi vật thể, đó là Quần thể cố đô Huế, Nhã nhạc âm nhạc cung đình Huế, Mộc Bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. 
Điểm nổi bật trong những năm qua, là tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp xây dựng địa phương xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, từng bước hình thành và khẳng định các thương hiệu Huế điểm đến di sản, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa, du lịch ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”, hướng tới thành phố vườn, đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”. Đây là mục tiêu không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài. Quán triệt mục tiêu và định hướng đó, những năm qua, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương, nhất là Kết luận số 48-KL/TW và Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững. 
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping… cũng được phát triển mạnh để giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo khi đến Thừa Thiên Huế. Thực tế, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã có nhiều ứng dụng giúp du khách trải nghiệm được du lịch thông minh bằng thực tế ảo ấn tượng, hấp dẫn. Nổi bật trong số ứng dụng đó có thể kể đến chương trình "Đi tìm hoàng cung đã mất" tại Đại Nội. Bằng công nghệ thực tế ảo VR360, du khách có thể tận mắt thấy được không gian Hoàng cung Huế xưa với những công trình kiến trúc không gian đa chiều có từ hàng trăm năm trước. Ngoài ra, còn có hệ thống thuyết minh tự động với 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Hoàng cung và các lăng tẩm. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể sử dụng mã QR code của ứng dụng VN Guide để trải nghiệm tham quan các cổ vật qua không gian 3D tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế… Có thể nhận thấy rằng, sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế. Du lịch tiếp tục thể hiện vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị thế là trung tâm du lịch lớn, đặc sắc của quốc gia và quốc tế. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt khoảng hơn 1.640.185 lượt, trong đó khách nội địa đạt khoảng 1.072.969 lượt, khách quốc tế đạt khoảng 567.216 lượt. Khách lưu trú khoảng 845.892 lượt. Tổng thu từ du lịch 6 tháng ước đạt khoảng 3.494 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường khách quốc tế lưu trú chiếm tỷ trọng lớn là Thái Lan, Pháp, Úc, Đức, Mỹ, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đài Loan, Malaysia và một số quốc gia khác. Đặc biệt, trong bảng xếp hạng PCI tỉnh Thừa Thiên Huế tăng hai bặc so với năm 2021, đứng hạng 6 trong năm 2022 và nằm trong top 5  tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI hiệu quả.
 Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt trong việc chuyên đổi số đối với du lịch - dịch vụ thông minh vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý như chính sách đặc thù về du lịch thông minh đến các mô hình du lịch - dịch vụ thông minh, hoạt động này diễn ra mang tính cục bộ, thiếu cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý và đặc biệt là thiếu “mô hình du lịch thông minh” đảm bảo tính hiệu quả. Điều này dẫn đến đầu tư thiếu trọng điểm, thiếu tính đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa cao. Mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số để phát triển du lịch - dịch vụ thông minh ở Thừa Thiên Huế chưa cao. Vì thế, việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ ứng dụng cho du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Sự tiếp cận của doanh nghiệp với du lịch thông minh còn yếu như trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch chính, lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch, ăn uống, giải trí, mua sắm,… thì khả năng tiếp cận công nghệ, phát triển du lịch thông minh chủ yếu ở một số phân nhánh như lữ hành quốc tế, vận tải hàng không, cơ sở lưu trú cao.
Để thuận lợi trong việc chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch thông minh theo tôi cần có những giải pháp sau: 
Thứ nhất:  Xác định mô hình và triển khai thí điểm. Căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội, cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực và tiềm năng phát triển du lịch,… xác định một số địa phương trọng điểm triển khai thí điểm mô hình du lịch thông minh. Đồng thời, gắn phát triển du lịch thông minh với các lĩnh vực có liên quan như đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, quản lý năng lượng thông minh,…
Việc xác định rõ mô hình và triển khai thí điểm sẽ giúp Tỉnh và các địa phương tập trung được nguồn lực cho phát triển du lịch thông minh, tránh thực hiện dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực. Kết quả của một số mô hình thí điểm này sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá để ngành du lịch và các địa phương khác học hỏi.
Thứ hai: Chú trọng phát triển khoa học công nghệ chuyển đổi số, đặc biệt là công nghệ thông tin – truyền thông theo hướng ứng dụng cho ngành du lịch, tạo nền tảng công nghệ cho du lịch thông minh. Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Du lịch cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ cho ngành du lịch. Cần xác định và ưu tiên đầu tư cho các hạng mục công nghệ quan trọng hỗ trợ phát triển du lịch thông minh, bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ; đầu tư sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành du lịch; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho công tác quản lý và phát triển điểm đến; ứng dụng công nghệ cho công tác thống kê du lịch; ứng dụng công nghệ cho công tác bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch.
Thứ ba: Phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ với các nước phát triển để học hỏi kinh nghiệp, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ với phát triển du lịch thông minh. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực ngoài trình độ chuyên môn về du lịch phải có khả năng đáp ứng yêu cầu sử dụng và vận hành công nghệ, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh. Thu hút nhân tài có trình độ cao về công nghệ vào làm việc trong ngành du lịch.
Thứ tư: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh. Nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số trong du lịch, tuyên tuyền sâu rộng nâng cao nhận thức của cộng đồng về các hoạt động du lịch trực tuyến, những ưu điểm và những tồn tại, bất cập của nó để khách du lịch và người dân hiểu, có những hoạt động tích cực, “thông minh”, tránh bị lợi dụng, lừa đảo. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong kinh doanh, tiếp cận du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý, từng bước điện đại hóa ngành du lịch.
Việc chuyển đổi số đối với sự phát triển du lịch - dịch vụ thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, nó sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thông minh cần phải có những điều kiện và tiền đề nhất định – nền tảng cốt yếu của nó là ứng dụng những thành tựu Khoa học và Công nghệ tiên tiến của cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn phát triển du lịch - dịch vụ thông minh, trước hết phải có nhận thức đầy đủ - tâm quan trọng và đúng đắn, phải hiểu được bản chất và nắm được quy luật vận động, phát triển của nó trong giai đoạn hiện nay.
 
 
 
       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày