Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 152
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ NGUYỄN CHÍ THANH HIỆN NAY.
Ngày cập nhật 14/09/2023

Chủ nhiệm lớp đóng vai trò quan trọng suốt khoá học, liên quan đến cả hoạt động giảng dạy của giảng viên và việc học tập, rèn luyện của học viên. Nhiệm vụ chính của chủ nhiệm lớp là thực hiện quản lý lớp học, đảm bảo duy trì, củng cố nề nếp của học viên theo đúng nội quy, quy chế của nhà trường để đảm bảo hiệu quả, chất lượng hoạt động giảng dạy và học tập, tức là nhằm đạt được mục tiêu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. 

Để hoạt động chủ nhiệm lớp có hiệu quả, một trong những yêu cầu đối với giáo viên chủ nhiệm là phải xây dựng được ý thức tự quản của học viên, qua đó rèn luyện tác phong, ý thức tự giác kỷ luật của học viên. Đặc thù của học viên Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, là cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác; do đó, đa số học viên đều có ý thức tốt trong việc thực hiện nội quy, quy chế của nhà trường. Tuy nhiên, tính tự giác của học viên vẫn chưa phát huy triệt để trong một tập thể lớn. Chính điều này tạo nên một số hạn chế trong công tác quản lý lớp. Cụ thể như sau:

Một là, vẫn có hiện tượng học viên đi học muộn, vắng học không có lý do; ý thức trong việc sử dụng hợp lý trang thiết bị dạy học, tài sản của nhà trường trong lớp học chưa cao; việc thực hiện nội quy Ký túc xá chưa đầy đủ theo quy định, tình trạng này chủ yếu diễn ra trong thời gian đầu khóa học.

Hai là, mối liên hệ giữa giáo viên chủ nhiệm với học viên chưa thường xuyên nên có những thời điểm phản ánh thông tin học viên chưa thực sự kịp thời. Còn tình trạng nể nang, thiếu kiên quyết, thiếu nghiêm khắc trong việc nhắc nhở, xử lý những học viên vi phạm nội quy học tập.

Ba là, việc thực hiện công tác quản lý lớp chưa đạt hiệu quả cao bởi xuất phát từ lý do khách quan khi giáo viên chủ nhiệm vừa quản lý lớp, vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Do đó, công tác phối hợp của một số giáo viên chủ nhiệm và giáo viên lên lớp có thời điểm chưa thường xuyên.

Bốn là, Ban cán sự lớp chưa thực sự phát huy được vai trò trong công tác quản lý lớp nên đôi lúc còn nể nang, bao che cho học viên trong lớp. 

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý lớp nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, thiết nghĩ, giáo viên chủ nhiệm cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

  Thứ nhất, chủ nhiệm lớp cần chủ động khảo sát đối tượng học viên để đưa ra những phương pháp quản lý phù hợp

Học viên là đối tượng trung tâm của hoạt động chủ nhiệm lớp; do đó, chất lượng, trình độ, năng lực của học viên là những yếu tố quyết định đến kết quả học tập và rèn luyện trong toàn khóa học. Để khơi dậy, phát huy được ý thức học tập, rèn luyện, tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, thống nhất của học viên, đòi hỏi giảng viên chủ nhiệm lớp phải đầu tư nghiên cứu, khảo sát về đối tượng học viên, nhất là trong những ngày đầu của khóa học. Bởi lẽ, việc khảo sát học viên sẽ giúp chủ nhiệm lớp phân loại được các đối tượng tham gia học tập, có được những thông tin cần thiết về năng lực, trình độ, lĩnh vực công tác, địa bàn sinh sống, công tác của học viên để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người học, từ đó có những biện pháp, cách thức quản lý lớp phù hợp; đặc biệt, sẽ lựa chọn được những học viên tích cực nhất trong Ban cán sự lớp.

Thứ hai, làm tốt công tác phối hợp.

Đối với phòng QLĐT&NCKH, giáo viên chủ nhiệm phải chủ động phối hợp để trao đổi, nắm thông tin của học viên, hồ sơ học viên, lịch học, lịch thi, kết quả thi; tổ chức thực hiện kế hoạch khai giảng, bế giảng; kế hoạch đào tạo, kế hoạch đi thực tế…

Đối với các khoa chuyên môn và giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên trao đổi về tình hình học tập của lớp, của từng học viên để nắm bắt được kết quả học tập, năng lực, thái độ, trách nhiệm của học viên; từ đó có thể định hướng cho học viên phương pháp, cách thức học tập phù hợp, có phương án giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh; đồng thời, có những đề xuất với giáo viên bộ môn về cách thức phối hợp để thực hiện tốt công tác quản lý lớp học.

  Thứ ba, tăng cường tổ chức các hình thức trao đổi kinh nghiệm chủ nhiệm lớp

Các hình thức học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý lớp cho giáo viên chủ nhiệm cũng là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Có nhiều hình thức tổ chức, như: tổ chức hội thi giảng viên chủ nhiệm lớp giỏi; tổ chức diễn đàn trao đổi về công tác chủ nhiệm; tổ chức cho các giảng viên chủ nhiệm tiêu biểu đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các đơn vị trong và ngoài tỉnh...Qua đó, chủ nhiệm lớp sẽ có cơ hội trang bị thêm kiến thức, rèn luyện thêm kỹ năng, bổ sung thêm được những kinh nghiệm quý cho công tác chủ nhiệm.

Thứ tư, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chủ nhiệm lớp

Nội dung kiểm tra, giám sát hoạt động chủ nhiệm lớp bao gồm: kiểm tra hồ sơ, kế hoạch chủ nhiệm; nội dung, cách thức sinh hoạt lớp. Thông qua khảo sát ý kiến của học viên về chủ nhiệm lớp, thậm chí trong các khoa có thể xây dựng kế hoạch dự giờ các tiết sinh hoạt lớp của giảng viên được phân công chủ nhiệm, nhất là ở những thời điểm mà lớp chuẩn bị cho những hoạt động lớn (tham gia các hội thi, cuộc thi, chuẩn bị các điều kiện đi nghiên cứu thực tế, chuẩn bị thi hết môn hay thi tốt nghiệp), vì đó là những thời điểm quan trọng để chủ nhiệm lớp triển khai được nhiều nội dung, định hướng được các cách thực hiện phù hợp. Từ đó, có sự đánh giá, so sánh, rút kinh nghiệm cho chủ nhiệm lớp. Đó cũng chính là những căn cứ cần thiết, quan trọng để các khoa lựa chọn, quyết định cử giảng viên tham gia công tác chủ nhiệm lớp.

Tóm lại, giáo viên chủ nhiệm lớp có vị trí, vai trò quan trọng; là cầu nối giữa Nhà trường với học viên để phổ biến các quy định, quy chế của Nhà trường tới lớp học. Thực hiện tốt công tác chủ nhiệm lớp sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường hiện nay./.

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày