Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 36
Liên kết website
VAI TRÒ PHÁP LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRONG XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN
Ngày cập nhật 18/01/2024

TS. Lê Thị Hằng

                                                            Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt: Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (PQXHCNVN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một quan điểm chủ đạo mang tính nguyên tắc trong hoàn thiện nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có vai trò quan trọng cụ thể hóa “quyền làm chủ của nhân dân”, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước trong định hướng tiếp tục hoàn thiện nhà nước PQXHCNVN hiện nay.

Từ khóa: vai trò pháp luật; pháp luật thực hiện dân chủ cơ sở; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

* Lý luận về pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

          Nhà nước PQXHCNVN là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhà nước PQXHCNVN có 8 đặc trưng cơ bản, trong đó có đặc trưng nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Để nhân dân thực hành quyền làm chủ của mình đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Chất lượng của hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật thực hiện dân chủ nói riêng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là hệ thống các qui phạm pháp luật  điều chỉnh quan hệ giữa Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế và công dân bảo đảm cho công dân thực hiện quyền làm chủ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn, trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp.

Trước năm 2023,  thực hiện dân chủ ở cơ sở cơ bản được điều chỉnh bởi 4 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực gồm: Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở qui định những nội dung “dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân giám sát” và hình thức thực hiện những quyền dân chủ trực tiếp đó tại cơ sở.

     * Vai trò của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nhà nước PQ XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thứ nhất, pháp luật thực hiện hiện dân chủ ở cơ sở là cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình, góp phần mở rộng dân chủ, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Pháp luật về dân chủ ở cơ sở góp phần cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về dân chủ vào thực tiễn đời sống của nhân dân ở cơ sở. Trong Nhà nước ta - “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân[1], việc thực hiện pháp luật về dân chủ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo quyền lực thực sự của nhân dân.

Thứ hai, tạo ra cơ chế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nôi dung qui định “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” trong pháp luật về dân chủ ở cơ sở bảo đảm cho người dân được biết, được bàn, được giải phóng sức sản xuất, được sáng tạo, được kiểm tra giám sát, tài chính được công khai, minh bạch… góp phần bảo đảm hoạt động của các cấp chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp thật sự dân chủ, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.

Thứ ba, pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp.

          * Thực trạng vai trò pháp luật thực hiện dân chủ cơ sở

Trong hơn 25 năm qua, hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở; hệ thống pháp luật đã khá đồng bộ, góp phần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ;  hệ thống pháp luật đã tạo ra cơ chế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở cơ sở; việc phát huy dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân được thực thi hiệu quả trong mọi hoạt động của đời sống xã hội; từ việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng đến đổi mới hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), tổ chức chính trị-xã hội các cấp; qua đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước.

       Tuy nhiên, vai trò của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng bộc lộ những hạn chế nhất định.

Một là, chưa bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ trong điều chỉnh các nội dung phát huy quyền làm chủ của nhân dân, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, công dân khi thực hiện. Mặc dù có sự khác biệt về không gian nhưng cả 3 loại hình cơ sở được quy định tại Chỉ thị số 30-CT/TW và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (gồm: xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp) đều có điểm chung là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện việc công khai thông tin, tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát của người dân (với tư cách công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động). Do vậy, việc quy định về thực hiện dân chủ ở mỗi loại hình cơ sở tại các văn bản khác nhau mà không có quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở là chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điều này, ảnh hưởng đến tính toàn diện trong thực hiện pháp luật dân chủ trong thực tế, gây nên sự lúng túng cho các cơ quan chức năng, tổ chức và công dân trong thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở.

Hai là, nội hàm về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn có sự chưa thống nhất và chồng lấn với các văn bản quy phạm pháp luật về quyền dân chủ khác. Điều này một phần xuất phát từ sự chưa rõ ràng trong việc phân định khái niệm “dân chủ” và “thực hiện dân chủ”. Khái niệm “dân chủ” theo nghĩa rộng là quyền lực nhân dân(1), trong đó bao gồm các quyền cụ thể như quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền tiếp cận thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, quyền trưng cầu ý dân,... (gọi chung là các quyền dân chủ) đã được quy định tại Hiến pháp và các luật. Trong khi “thực hiện dân chủ” hay “thực hành dân chủ” là tổng hợp các cơ chế, chính sách, nguyên tắc, hình thức và biện pháp để bảo đảm thực hiện quyền dân chủ(2). Trên thực tế, các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở đang bao trùm cả quy định về một số quyền dân chủ cụ thể như quyền tiếp cận thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị... Do vậy, nội dung quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở có sự chồng lấn với các luật khác như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... 

Ba là, nội dung và hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng thực tiễn yêu cầu phát triển ở cơ sở. Theo quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 thì phạm vi các vấn đề để Nhân dân quyết định chỉ gồm hai nội dung: 1) chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn/tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí; 2) các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, Pháp lệnh chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định đảm bảo tính minh bạch trong việc công khai của chính quyền cấp xã dẫn đến tình trạng tại một số địa phương thực hiện việc công khai một cách “chiếu lệ” (tuy vẫn đúng nội dung cần công khai, đúng địa điểm phải công khai nhưng người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tất cả nội dung văn bản được công khai, như việc dán thông báo có nhiều trang trên bảng thông báo có lưới bảo vệ... Hình thức niêm yết, công khai quy định trong Pháp lệnh số 34 còn đơn giản, không còn phù hợp trong điều kiện khoa học – kỹ thuật tiến bộ và điều kiện phát triển của đất nước hiện nay.

* Luật thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 – văn bản Luật quan trọng trong nâng cao vai trò của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện nay.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, Luật thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 có nhiều điểm mới cơ bản, đó là:

Một là, bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Hai là, về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn: Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành. Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật...  

Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của nhân dân. Quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nghị quyết của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố từ UBND cấp huyện sang UBND cấp xã. Bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành.

Ba là, về thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị: Không quy định về dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan do vấn đề này đã được quy định tại các luật chuyên ngành và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị. Bổ sung hình thức công khai thông tin là thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị. Bổ sung hình thức kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Bốn là, về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở: Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định cụ thể trách nhiệm của HĐND, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Năm là, về Thanh tra nhân dân: dự luật được quy định, chỉ thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Như vậy, doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước không phải thành lập Ban Thanh tra nhân dân.

Tóm lại: Pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có vai trò là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Điều này sẽ hướng đến đáp ứng các yêu cầu trong xây dựng nhà nước PQXHCN ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.

_______________________

Tài liệu tham khảo

1. Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

3. Chính Phủ. Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

4.  Chính phủ. Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

5. Quốc Hội. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

 

 



[1] Quốc Hội, Hiến pháp 2013, Điều 2

 

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày