Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 139
Liên kết website
VẬN DỤNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ NGUYỄN CHÍ THANH, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 07/08/2021

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đại hội đã thảo luận và thông qua các Văn kiện có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do vậy, việc vận dụng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  vào giảng dạy ở các trường chính trị  vừa là yêu cầu thiết thực của công tác đào tạo, bồi dưỡng vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Nhà trường.

 

So với Đại hội trước, các Văn kiện được thông qua tại Đại hội XIII có nhiều điểm mới cần được nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả. Báo cáo chính trị đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, xác định tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định chủ đề của Chiến lược, bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước,quan điểm phát triển,  mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trên 10 vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm 2021-2030. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, chỉ rõ thành tựụ, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên 12 vấn đề trong 5 năm 2021-2025. Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII, tổng kết thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Để quán triệt, vận dụng các quan điểm trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào giảng dạy ở trường chính trị Nguyễn Chí Thanh có hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Trước hết, Nhà trường phải xác định rõ vị trí và nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị cấp tỉnh theo tinh thần Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Với vị trí, chức năng như vậy, Trường chính trị cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy những giá trị cao đẹp, trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, giảng viên trường                                                             chính trị cấp tỉnh là lực lượng tiên phong trong lĩnh vực  này.

Thứ hai, bám sát định hướng chỉ đạo trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban tuyên giáo trung ương; hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của  tỉnh ủy, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 09/03/2021 đã chỉ rõ: Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên đều nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị; hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng với sự chỉ đạo cụ thể của tỉnh ủy, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, giảng viên và học viên về các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Văn kiện. Để từ đó cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động, giải pháp công tác cụ thể của Nhà trường, của mỗi cán bộ, giảng viên nhằm định hướng, hướng dẫn trực tiếp, sâu sát vào từng nội dung bài giảng, từng hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo đảm tính thiết thực, rõ việc, rõ người, dễ hiểu và dễ triển khai; Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Thứ ba, mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường phải tự giác học tập, nghiên cứu; chủ động tiếp cận để nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm. Đồng thời so sánh với những nội dung của Đại hội XII, các đại hội Đảng và Hội nghị Trung ương trước đây để nhận thức rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy, lý luận của Đảng trên các phương diện lớn và các lĩnh vực cụ thể, cũng như trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Đảng. Để từ đó, việc vận dụng những nội dung của Văn kiện mới thực sự thuyết phục, sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương đơn vị trong từng bài giảng, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên, học viên. Vì vậy, mỗi cán bộ, giảng viên cần xác định rõ trách nhiệm học tập, quán triệt Văn kiện không chỉ là thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, mà cao hơn là truyền thụ đường lối, quan điểm của Đảng đến người học, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và biến quan điểm, đường lối thành hành động cách mạng cụ thể.Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, uốn nắn những lệch lạc, đấu tranh làm thất bại luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Thứ tư, Giảng viên phải có kỹ năng lồng ghép có hiệu quả nội dung Văn kiện XIII của Đảng vào các chuyên đề giảng dạy, thảo luận được Ban Giám hiệu phân công phụ trách.

Cần xác định việc quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội hội Đảng các cấp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là thế mạnh của giảng viên trường chính trị cấp tỉnh. Giảng viên trường chính trị  không chỉ là người cung cấp tri thức như những giảng viên ở các cơ sở đào tạo khác mà còn là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng. Thông qua giảng dạy, Giảng viên phải thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung Văn kiện XIII của Đảng trong các bài giảng ở tất cả các lớp, các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh việc phân tích, giảng giải lấy ví dụ để Học viên hiểu đúng, nắm rõ kiến thức bài học, Giảng viên còn phải phân tích, so sánh, đánh giá để làm nổi bật giá trị bền vững về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từng bài giảng phải thể hiện được tính đảng sâu sắc, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, toát lên niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đối thoại, trao đổi, thảo luận để Học viên được nêu lên quan điểm, suy nghĩ cá nhân, qua đó nắm bắt, định hướng kịp thời lập trường tư tưởng cho Học viên. Muốn làm được điều này đòi hỏi Giảng viên  Trường Chính trị phải là người vừa am hiểu lý luận, thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa có kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Do đó, cùng với việc không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, Giảng viên cần tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong trong công tác giảng dạy. Trên cơ sở đó, tích cực tham gia vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; tham gia góp ý và phản biện vào các quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, qua đó góp phần vào việc bảo vệ, phát triển nền tảng, tư tưởng của Đảng.

Thứ năm, lãnh đạo tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên được tham dự đầy đủ các hội nghị, hội thảo liên quan đến Văn kiện XIII của Đảng có nội dung gắn với chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường; tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức… giúp cho giảng viên nắm chắc lý luận và thực tiễn, chủ động trong liên hệ, vận dụng, góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và am hiểu sâu sắc thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề.

Ngoài ra, mỗi cán bộ, giảng viên cần chủ động bổ sung, cập nhật vào bài giảng những quan điểm, nhận thức và định hướng mới của Đại hội XIII mà các chương trình, giáo trình còn thiếu hoặc chưa thể hiện đầy đủ; chủ động thay thế những nội dung đã lạc hậu, những nội dung không còn phù hợp; rà soát lại để chính xác hóa các khái niệm, các thuật ngữ, bảo đảm tính khoa học, tính hệ thống và sát với những nội dung, tinh thần của Đại hội XIII.

Tóm lại, nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, đối với các trường chính trị Nguyễn Chí Thanh  thì việc nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết  của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với những giải pháp đồng bộ và sáng tạo thì những tư tưởng cơ bản, quan điểm chỉ đạo, nội dung cốt lõi, những vấn đề mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ được thấm nhuần và vận dụng có hiệu quả trong giảng dạy ở Nhà trường , góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên./.

                                                       TS. Nguyễn Thị Châu - TUV, Hiệu trưởng trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh

 

 

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày