Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 60
Liên kết website
SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TÌNH HUỐNG TRONG GIẢNG DẠY PHẦN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI - Th.s Phan Thị Thanh Tâm. Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Ngày cập nhật 03/07/2023

Phương pháp giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đào tạo. Đối tượng học viên tại trường chính trị là đội ngũ cán bộ công chức đang thực thi nhiệm vụ. Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tri thức mà quan trọng hơn là rèn luyện kỹ năng giải quyết, xử lý công việc; kỹ năng giải quyết các tình huống phát sinh trong đời sống xã hội. Đối với các bài giảng thuộc phần 9 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, việc cung cấp cho học viên các kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể để giải quyết các tình huống phát sinh càng cần thiết. Để đạt được mục tiêu đó, việc giảng dạy thông qua các tình huống là một phương pháp hiệu quả.

Phương pháp tình huống nếu áp dụng phù hợp sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực đối với cả học viên và giảng viên, tăng cường khả năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề, giúp học viên dễ hiểu và dễ nhớ các vấn đề lý thuyết. Thông qua các tình huống liên quan đến công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, học viên được phân tích, thảo luận, được đóng vai người giải quyết tình huống buộc họ phải nghiên cứu, phải tư duy để có cách thức giải quyết tình huống. Qua đó học viên có thể tự rút ra những kiến thức lý luận bổ ích và ghi nhớ những kiến thức này một cách dễ dàng trong thời gian dài. Thực tế cho thấy, người học cảm thấy thích thú và có động lực học tập khi được giao giải quyết các tình huống cụ thể. Học viên có cơ hội để liên kết, vận dụng các kiến thức đã được học. Để giải quyết một tình huống, học viên có thể phải vận dụng đến nhiều kiến thức lý thuyết khác nhau trong cùng một phần học hoặc của nhiều phần học khác nhau. Đồng thời, học viên có thể rèn luyện một số kỹ năng cơ bản như kỹ năng làm việc nhóm, tranh luận và thuyết trình. Đây là những kỹ năng quan trọng của cán bộ công chức trong quá trình thực thi công vụ. Việc giảng dạy bằng phương pháp tình huống sẽ giúp học viên hình thành các kỹ năng này. Các tình huống thường có tính phức tạp, đòi hỏi học viên phải hợp tác với nhau theo nhóm. Nhóm tiến hành thảo luận, tranh luận tìm ra giải pháp giải quyết tình huống. Quá trình thảo luận, tranh luận giúp học viên phát triển các kỹ năng phát biểu trước đám đông; phân tích vấn đề một cách logic; hiểu biết thực tế sâu rộng, vận dụng linh hoạt lý thuyết để giải quyết các tình huống thực tế; biết phản biện, bảo vệ quan điểm cá nhân, đồng thời có khả năng thương lượng và dễ dàng chấp nhận các ý kiến khác biệt, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác để làm phong phú hơn vốn kiến thức của mình. Giảng viên khi áp dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy vừa có thể hướng dẫn, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm cho học viên, đồng thời cũng học hỏi được những kinh nghiệm, thông tin, giải pháp mới từ học viên để làm giàu vốn tri thức và phong phú hơn bài giảng của mình, nhất là từ những học viên đã có quá trình công tác thực tiễn, những chuyên gia trong lĩnh vực mà tình huống đưa ra. Qua quá trình hướng dẫn học viên nghiên cứu tình huống, giảng viên cũng có thể phát hiện ra những điểm bất hợp lý hoặc sai sót của tình huống và có những điều chỉnh, bổ sung nội dung tình huống sao cho phù hợp để giảng dạy ở những lớp sau.

 Cách tiến hành phương pháp tình huống qua 6 bước: Bước 1: Lựa chọn tình huống phù hợp với mục tiêu giảng dạy. Bước 2: Giới thiệu tình huống Giảng viên có thể trình bày tình huống trên bảng hoặc photo trên giấy phát cho học viên hoặc chiếu một đoạn phim hay tạo một bối cảnh giống như tình huống để học viên đóng vai. Khi giới thiệu tình huống cần chú ý để học viên hiểu rõ các dữ kiện của tình huống và các vấn đề cần giải quyết. Bước 3: Phân chia lớp học thành các nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm và chỉ định nhóm trưởng để điều khiển nhóm làm việc. Bước 4: Các nhóm thảo luận cách giải quyết tình huống. Giảng viên có thể cung cấp các kiến thức vế mặt lý thuyết có liên quan đến tình huống đưa ra và cần thiết phải giải thích thật chi tiết tình huống để học viên hiểu rõ các vấn đề cần giải quyết. Bước 5: Báo cáo kết quả giải quyết tình huống: các nhóm theo thứ tự lên trình bày đề tài đã được phân công, nhóm phân công người trình bày, thời gian trình bày tối đa 15 phút; giảng viên yêu cầu các nhóm còn lại phản biện; giảng viên có thể bổ sung thêm các câu hỏi cho nhóm trình bày, học viên thảo luận các câu hỏi có liên quan. Mỗi học viên sẽ đóng góp ý kiến của mình về tình huống đưa ra. Học viên trong các nhóm còn lại có thể trao đổi, thảo luận để phân tích làm rõ thêm những vấn đề đã được nêu ra trong tình huống, giải quyết các câu hỏi khác mà giảng viên đặt ra thêm trong tình huống. Bước 6: Giảng viên tổng kết, nhận xét và đánh giá các nhóm: giảng viên tổng kết tình huống, rút ra kết luận các giải pháp có liên quan đến nội dung lý thuyết phần học. Sau khi ghi nhận các ý kiến của các nhóm, từng thành viên trong nhóm, giảng viên sẽ dựa vào đó đánh giá vấn đề đang thảo luận. Có thể có những vấn đề không mang lại kết quả như mong muốn, có những vấn đề có kết quả đúng sai rõ ràng, nhưng giảng viên sẽ là người chịu trách nhiệm đưa ra kết luận cuối cùng về tình huống đó để giúp học viên có thể hiểu rõ hơn cách thức giải quyết của mình.

       Để có thể áp dụng tình huống vào giảng dạy phần học này một cách hiệu quả thì tình huống được xây dựng cần phải đảm bảo các yêu cầu sau: Thứ nhất, tình huống phải có tính thực tiễn. Các tình huống được xây dựng dựa trên cơ sở các tình huống có thật trong xử lý nghiệp vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh,… Một tình huống lấy từ thực tiễn bao giờ cũng được đánh giá rất cao. Học viện cảm thấy hào hứng hơn khi được tham gia vào một tình huống có thật. Vì vậy khi xây dựng tình huống không nên tự nghĩ ra bởi sự “sáng tạo” này rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn hoặc đưa ra những chi tiết không hợp lý mà người xây dựng tình huống không thể lường trước. Cần tránh đưa ra những thông tin mang tính chất giả định vào tình huống. Tuy nhiên, việc đưa tình huống thực tiễn vào giảng dạy không phải là việc sao chép nguyên xi mà cần có những cải biên phù hợp với ý đồ của người dạy và mục tiêu của bài giảng nhưng không được làm mất đi tính thực tiễn của tình huống. Điều đó đòi hỏi giảng viên phải thường xuyên tiếp cận với thực tế, đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương để có thể xây dựng các tình huống có tính thực tiễn. Thứ hai, tình huống phải phù hợp với khả năng hiểu biết của học viên Tình huống quá khó sẽ làm cho học viên cảm thấy công việc quá sức và cảm giác tự ti sẽ làm cho người học không còn hứng thú với môn học. Ngược lại, tình huống đơn giản, dễ giải quyết sẽ không thúc đẩy sự tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo làm cho học viên thấy bài học tẻ nhạt, buồn chán, không hữu ích. Vấn đề khó khăn của người xây dựng tình huống là cần hiểu rõ năng lực của học viên, đặt mình vào địa vị của người học để xây dựng những tình huống ở mức độ từ dễ đến khó trong khả năng của phần lớn học viên để họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình được đặt ra trong tình huống và họ thấy hứng thú với bài học. Tình huống phải được xắp xếp theo trật tự kiến thức bài giảng. Trật tự trong nhận thức của học viên cần phải được tôn trọng khi xây dựng các tình huống. Không thể yêu cầu học viên giải quyết một vấn đề mà kiến thức dành để giải quyết nó lại chưa được cung cấp hoặc chưa yêu cầu học viên tự nghiên cứu. Thứ ba, tình huống phải có khả năng rèn luyện kỹ năng làm việc cho học viên Một tình huống phù hợp đòi hỏi việc rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề từ phía học viên. Học viên cần phải thực hiện một hoặc một số hoạt động kỹ năng nhất định để đi đến kết luận như phân tích, thu thập thông tin, tra cứu văn bản pháp, vận dụng các văn bản, xây dựng và bảo vệ ý tưởng trước tập thể nhóm,... Tình huống không nên quá đơn điệu, có thể đưa ra phương án giải quyết ngay mà cần phải tạo ra sự tranh luận giữa học viên trong việc giải quyết tình huống tùy vào cách tiếp cận của học viên. Tranh luận này làm cho việc giải quyết tình huống trở nên thú vị hơn; thông qua đó, học viên thu hoạch được nhiều tri thức hơn. Ngay cả khi học viên không đưa ra phương án đúng, họ vẫn ghi nhớ tốt hơn.Thông tin đưa ra trong tình huống không bao gồm các phân tích, kết luận mang tính định hướng cho học viên sẽ hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của học viên, khiến học viên thường chỉ suy nghĩ và lựa chọn một trong số các phương án mà tình huống đưa ra. Trong khi nếu để họ suy nghĩ độc lập, có thể họ sẽ đưa ra nhiều phương án giải quyết độc đáo và hay hơn những gợi ý mà giảng viên có thể nghĩ ra. Giảng viên có thể hỗ trợ cho học viên những kiến thức cần thiết để giải quyết tình huống thông qua việc cung cấp cho học viên những tài liệu liên quan trực tiếp đến việc tìm ra lời giải tình huống đó, kể cả việc giải đáp một số câu hỏi của học viên khi cần. Có thể nói, sử dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy và thảo luận giúp cho bài giảng gắn lý luận với thực tế, làm cho học viên chủ động, tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập; rèn luyện học viên khả năng tham gia vào giải quyết các tình huống thực tế phát sinh trong thực tiễn. Để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp này đòi hỏi giảng viên phải có sự chuẩn bị các tình huống giảng dạy phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng học viên./.

Tập tin đính kèm:
Phan Thị Thanh Tâm
       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày