Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.185.896
Truy cập hiện tại 76
Liên kết website
XÂY DỰNG MÔ HÌNH “SINH HOẠT CHUYÊN MÔN GẮN VỚI TỪNG PHẦN HỌC” GÓP PHẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC GIẢNG DẠY CỦA KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG TS. LÊ THỊ HẰNG Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Xây dựng Đảng
Ngày cập nhật 27/04/2023

Nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của Khoa Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn mức độ 1 trong thời gian tới. Mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học” mà Khoa Xây dựng Đảng đang xây dựng là một biện pháp đột phá trong hoạt động lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên trong Khoa.

 

Sinh hoạt chuyên môn Khoa của các trường Chính trị giữ vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên. Sinh hoạt chuyên môn Khoa không chỉ giúp người làm công tác giảng dạy nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân mà còn là hoạt động trao đổi, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau trong công tác. Chất lượng sinh hoạt chuyên môn là kết quả thể hiện vai trò, sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Khoa và sự tự rèn luyện, phát triển năng lực của bản thân người giảng viên Khoa.

1. Xây dựng mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học”- yêu cầu cần thiết trong đổi mới hình thức lãnh đạo, quản lý của Khoa

Những năm qua, Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã có sự chú ý, quan tâm đến hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Hàng năm hoạt động này diễn ra thường xuyên dưới 2 hình thức tọa đàm theo chuyên đề và thông qua bài, dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm. Các giảng viên đều tích cực, đầu tư chuẩn bị các nội dung được phân công, không khí các buổi sinh hoạt chuyên môn luôn dân chủ, sôi nổi trên tinh thần góp ý, xây dựng mang tình đồng chí, đồng nghiệp, giúp đỡ  nhau cùng tiến bộ, qua đó chất lượng soạn và giảng của các giảng viên trong khoa từng bước được nâng lên.

     Tuy nhiên, sinh hoạt chuyên môn ở khoa Xây dựng Đảng còn một số hạn chế như chủ đề sinh hoạt chuyên môn chưa phong phú (chủ yếu tập trung vào những chủ đề mang tính chất kỷ niệm các sự kiện lớn, vận dụng nghị quyết vào giảng dạy chương trình TCLLCT nói chung), hình thức tổ chức đơn điệu (tổ chức khi có hoạt động tọa đàm, thao giảng, dự giờ, xem sinh hoạt chuyên môn là góp ý thao giảng, dự giờ). Trong sinh hoạt chuyên môn chưa đi sâu trao đổi về phương thức áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực hướng đến phát triển năng lực giảng viên hay tháo gỡ những khó khăn cho giảng viên khi vận dụng kiến thức thực tiễn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người học; chưa gắn sinh hoạt chuyên môn với đặc trưng của từng phần học. Điều đó, đã làm cho sinh hoạt chuyên môn ít hấp dẫn, thiếu sinh động, giảng viên chưa thật sự hứng thú, say mê khi tham gia sinh hoạt chuyên môn.

Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Trường Chính trị chuẩn đang đặt ra đòi hỏi lãnh đạo Khoa cần phải có những biện pháp đổi mới phương thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn Khoa theo hướng “tạo cơ hội cho giảng viên được học tập lẫn nhau thông qua hoạt động cùng nhau bàn bạc phân tích nội dung đặc trưng của từng phần học, cùng nhau thống nhất phương pháp giảng dạy tích cực, cùng nhau thống nhất kế hoạch giảng dạy của từng chuyên đề”, qua đó giúp giáo viên phát triển năng lực giảng dạy. Chính vì vậy, xây dựng mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học” là một bước thay đổi cơ bản để nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn Khoa.

     2. Xác định mục tiêu và nội dung của mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học”

* Quan niệm về mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học”

Mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học” được hiểu là cách thức tổ chức cho giảng viên tập trung trao đổi, phân tích, thảo luận các vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong thiết kế kế hoạch giảng dạy mỗi chuyên đề của từng phần học; hiệu quả của phương pháp giảng dạy đang được áp dụng; rút ra những khuyến nghị về cách thức áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực hướng đến nâng cao năng lực cho người học; không tập trung vào việc đánh giá giờ giảng của giảng viên mà tập trung vào khuyến khích giảng viên cùng nhau tìm ra nguyên nhân tại sao người học chưa hứng thú với phần giảng dạy của Khoa và tìm ra biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy học; giúp giảng viên có khả năng chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng người học.

* Mục tiêu của mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học” hướng đến  nhằm làm thay đổi hình thức sinh hoạt chuyên môn theo kiểu truyền thống. Nâng cao kỹ năng, năng lực cho giảng viên và phát huy khả năng sáng tạo qua các lần sinh hoạt chuyên môn. Tạo cơ hội cho giảng viên chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy hướng đến lấy học viên làm trung tâm. Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và văn hóa ứng xử trong Khoa, trong nhà trường.

* Phương thức tổ chức mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học”

Để thực hiện mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học, cần tổ chức theo các bước sau đây:

Bước 1. Chuẩn bị sinh hoạt.

- Xây dựng kế hoạch sinh hoạt

Để sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học có hiệu quả, trưởng khoa hoặc phó khoa phụ trách phải tổ chức họp khoa, bàn bạc thảo luận thống nhất về các chủ đề sinh hoạt chuyên môn gắn với đặc thù của từng phần học. Thống nhất thời gian, phương pháp thực hiện. Sau đó, trưởng khoa sẽ xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo từng chủ đề. Trong kế hoạch, phải thể hiện đầy đủ mục tiêu, nội dung, qui trình tiến hành, phân công người thực hiện, thời gian, phương pháp tiến hành.

Xác định rõ đối tượng tham gia, thời gian tổ chức, số lần tổ chức. Đối tượng tham gia sinh hoạt cần huy động được tất cả các giảng viên của Khoa, mời thêm những giảng viên của các khoa, phòng khác trong trường đã và đang tham gia giảng dạy các chuyên đề liên quan đến chủ đề sinh hoạt chuyên môn của Khoa. Cần lựa chọn thời gian tổ chức bảo đảm cân đối giữa các quí trong năm, nên lựa chọn thời gian tổ chức vào trung tuần của các tháng 3, 6,9,11. Xác định số lần sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học trong cả năm (có thể 4-6 lần – tùy tình hình thực tế).

  • Xác định các chủ đề, nội dung cụ thể của từng chủ đề sinh hoạt.

Xây dựng chủ đề: Cần xây dựng những chủ đề sinh hoạt tương ứng với từng phần học. Theo đó, có thể đưa ra 4 chủ đề gợi ý sau: chủ đề lần 1: “Nâng cao hiệu quả áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong phần học Lịch sử Đảng CS VN”, trong đó tập trung vào phương pháp hướng đến tiếp cận giá trị bài học kinh nghiệm từ lịch sử vận dụng vào thực tiễn của người học; chủ đề lần 2: “Phương pháp vận dụng các Nghị quyết của Đảng và xử lý các tình huống trong công tác Đảng vào giảng dạy các chuyên đề phần Xây dựng Đảng”; chủ đề lần 3: “Áp dụng phương pháp hỏi đáp, sàng lọc, thảo luận nhóm vào phần học Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”; chủ đề lần 4: “Vận dụng mô hình thực tiễn vào giảng dạy các chuyên đề của phần học Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam”.

         Nội dung cụ thể cần thảo luận, thống nhất: khái quát về nội dung từng chuyên đề và các phương pháp giảng dạy đang được giảng viên áp dụng tại lớp học khi giảng dạy phần học cụ thể; khó khăn khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực vào phần học này (từ phía người học; từ phía giảng viên); những phương pháp giảng dạy tích cực được khuyến nghị áp dụng cho từng phần cụ thể của mỗi chuyên đề; phân công nhiệm vụ chuẩn bị sinh hoạt chuyên đề.

Bước 2: Tổ chức sinh hoạt

-  Chủ trì trình bày khái quát lý do, mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể cần tập trung thảo luận, trao đổi. Phát biểu chỉ đạo của đại diện BGH nhà trường (nếu có)

-  Thành viên tham gia thảo luận, trao đổi các nhóm vấn đề đã dự kiến.

-  Tổng hợp các ý kiến và kết luận các phương pháp sẽ được dự kiến áp dụng tương ứng cho từng phần học của mỗi chuyên đề.

        Bước 3:  Xây dựng giáo án mẫu của chuyên đề minh họa

-  Trong mỗi phần học sẽ thảo luận, thống nhất lựa chọn một đến 2 chuyên đề cụ thể để xây dựng giáo án mẫu làm minh họa cho từng phần học, căn cứ vào mục đích cụ thể của buổi sinh hoạt chuyên môn.

- Việc lựa chọn chuyên đề để thiết kế giáo án mẫu minh họa cần đảm bảo các giảng viên trong Khoa đều lần lượt tham gia. Khuyến khích giáo viên tự nguyện đăng kí soạn giáo án mẫu minh họa.

-  Sau đó, thành viên Khoa sẽ góp ý và thống nhất các nội dung trong giáo án mẫu của chuyên đề minh họa đã được chọn.

Bước 4: Đăng ký giảng dạy minh họa theo giáo án mẫu. Giảng viên đăng ký hoặc được Khoa giao nhiệm vụ giảng dạy chuyên đề minh họa. Trên cơ sở thống nhất ý kiến của Khoa, giảng viên có thể chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung, thời lượng, đồ dùng dạy học, phương pháp và kĩ thuật dạy học, đánh giá quá trình học tập của học viên,... cho phù hợp với từng nhóm đối tượng người học và điều kiện giảng dạy, phù hợp với việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học viên.

3.  Áp dụng kết quả của “mô hình sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học” vào giảng dạy tại lớp học.

- Khoa sẽ tổ chức dạy học minh họa và dự giờ.

 Sau khi hoàn thành giáo án mẫu, giảng viên sẽ thực hiện dạy trên thực tế. Khoa sẽ dự giờ để đánh giá,  phân tích chất lượng bài học.

 Khi dự giờ, giảng viên cần tập trung quan sát hoạt động học của học viên kết hợp với việc quan sát hoạt động tổ chức, hướng dẫn học của giảng viên và đưa ra nhận xét về mức độ hứng thú, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của học viên; học viên hợp tác, giúp đỡ nhau như thế nào? Cách thức thực hiện phương pháp giảng dạy của giảng viên có khuyến khích cho học viên trao đổi, thảo luận với nhau không; những lúng túng khi thực hiện các phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Trong quá trình tổ chức giảng dạy và dự giờ, khuyến khích giáo viên dự giờ quan sát, ghi chép kết hợp với ghi hình hoạt động học của học viên để sử dụng khi phân tích chất lượng bài học.

- Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình “sinh hoạt chuyên môn theo phần học”.

Giảng viên dạy minh họa sẽ chia sẻ về bài học: những ý tưởng mới; những thay đổi, điều chỉnh về nội dung; phương pháp dạy học; những điều hài lòng và chưa hài lòng trong quá trình dạy minh họa. Sau đó, người dự suy ngẫm và chia sẻ các ý kiến của giảng viên về bài học sau khi dự giờ.

Người dự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe mang tính xây dựng. Cùng suy nghĩ, thảo luận xem vì sao học viên chưa tích cực tham gia vào hoạt động học tập trên lớp (nếu có) và đưa ra các biện pháp thay đổi cách dạy phù hợp.

 Mọi người phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau khi thảo luận, không nên quan tâm đến các tiêu chuẩn truyền thống của một giờ dạy.  Không nên phê phán đồng nghiệp. Không đánh giá xếp loại giờ dạy minh hoạ.  Lấy hành vi học tập, tương tác của học viên làm trung tâm thảo luận. Trưởng khoa không nên áp đặt, tạo cơ hội cho giảng viên phát biểu, có sự dẫn dắt để giảng viên cùng thảo luận.

 - Vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày. Thông qua tiết dạy minh họa, thông qua thảo luận tiết dạy của đồng nghiệp, giảng viên tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, kiểm nghiệm những vấn đề đã được dự giờ và thảo luận, áp dụng vào bài giảng hàng ngày trên lớp.

Tóm lại, đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn theo mô hình “sinh hoạt chuyên môn gắn với phần học” sẽ  tạo cơ hội cho tất cả giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp tích cực trong giảng dạy, tự tin hơn, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường./.

 

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày