TS. Hồ Châu
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Tóm tắt
So với các tỉnh thành trong cả nước thì Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có rất nhiều lễ hội truyền thống. Thời gian qua, một số lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế được bảo tồn, phát huy giá trị khá tốt; tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Do đó, thiết nghĩ cần tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa giá trị của các lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Lễ hội, truyền thống, bảo tồn, phát huy.
Đặt vấn đề
Lễ hội truyền thống được xem là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, chiếu rọi vào tương lai; giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết về quá khứ, về các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, để từ đó trân quý và phát huy trong đời sống đương đại. Vì vậy, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống là một trong những việc làm có ý nghĩa thiết thực không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn của cả nước; nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Thừa Thiên Huế là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị khá tốt trong thời gian qua.
Nội dung
1. Vài nét về các lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế
Việt Nam là một quốc gia, dân tộc có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử, trên khắp lãnh thổ Việt Nam, nhiều lễ hội đã được hình thành, có những lễ hội mang tầm quốc gia, dân tộc và cũng có những lễ hội mang tính vùng miền, địa phương… Trải qua thời gian và không gian, hiện nay, trên khắp cả nước vẫn còn bảo tồn và phát huy giá trị của rất nhiều lễ hội truyền thống với quy mô, tính chất khác nhau; nhưng vượt lên trên hết, các lễ hội đều hướng đến mục đích chung nhất là giữ gìn, lưu truyền, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, để lại, qua đó góp phần tích cực trong sự hình thành nhân cách con người, văn hóa, đời sống tốt đẹp trong xã hội hiện nay.
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, mảnh đất Thừa Thiên Huế cũng mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống. Các lễ hội truyền thống ở địa phương Thừa Thiên Huế phản ánh đời sống xã hội, sinh hoạt của cư dân, cộng đồng, thể hiện truyền thống, đạo lý, các giá trị vật chất và tinh thần nơi đây. Có thể nói, lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế bên cạnh những điểm chung thì mang trong mình những nét riêng của địa phương, từ đó tạo nên tính độc đáo của nó.
Vùng đất Thừa Thiên Huế có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, đặc biệt nơi đây từng là thủ phủ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô dưới triều Quang Trung và triều Nguyễn. Vậy nên, nền văn hóa nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng của Thừa Thiên Huế hết sức đa dạng, phong phú, bao gồm cả cung đình và dân gian; mang cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần to lớn. Cố Giáo sư Phan Huy Lê đã từng nói rằng: “Huế vừa là một vùng địa – văn hóa trong phân vùng văn hóa của đất nước, vừa là một trung tâm văn hóa mang tính hội tụ và lắng đọng văn hóa của một đế đô theo chiều dài lịch sử và theo chiều rộng của không gian lãnh thổ quốc gia”.
Phần lớn các lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế đều diễn ra vào mùa xuân, là thời điểm mà tiết trời dịu mát, muôn vật sinh sôi nảy nở, phát triển; một số ít lễ hội diễn ra vào mùa thu hoặc thời điểm khác. Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế hàng năm vẫn diễn ra các lễ hội truyền thống được nhiều người biết đến như: Lễ hội cung đình Huế (lễ tế Đàn Xã Tắc, tế Đàn Nam Giao, tế Văn Miếu, thượng tiêu…); lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng (lễ hội Điện Hòn Chén, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ hội Quán Thế Âm, lễ thu tế ở các làng: Làng Chuồn, Dương Nổ, Thanh Thủy Chánh, Kế Môn…); lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, khai khẩn, thành hoàng làng (cầu ngư ở làng Thai Dương, lễ húy kỵ ngài khai canh Thế Lại Thượng…; lễ hội tôn vinh tổ các nghề, lễ hội đua ghe, thả diều …
2. Những kết quả đạt được và khó khăn, hạn chế trong bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế thời gian qua
Thời gian qua, một số lễ hội truyền thống được khôi phục, duy trì, tổ chức ở Thừa Thiên Huế đã góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất, con người, qua đó góp phần tác động, hình thành nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của con người Huế trong đời sống đương đại. Nhìn tổng thể, các lễ hội truyền thống được tổ chức ở những quy mô, mức độ khác nhau, nhưng chung quy lại đã nói lên sự quân tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, đặc biệt là ở các địa phương nơi diễn ra lễ hội trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế.
Một số lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế được tổ chức theo chương trình, kế hoạch một cách trọng thể, trang nghiêm, bài bản đã tạo nên sự lan tỏa rộng rãi và mang nhiều ý nghĩa. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm lãnh chỉ đạo trong công tác tổ chức và sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp liên quan, mà đặc biệt là ngay tại địa phương có lễ hội truyền thống diễn ra. Điều này được thể hiện ở chỗ các lễ hội truyền thống đã được địa phương, ban, ngành liên quan trực tiếp xây dựng chương trình, kế hoạch, huy động nguồn lực, kinh phí để tổ chức lễ hội với quyết tâm cao nhất; quá trình diễn ra lễ hội đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, mang lại hiệu quả và thiết thực cao. Qua các kỳ tổ chức lễ hội, một điều đáng mừng là các lễ hội được tổ chức lần sau có sự đầu tư thời gian, công sức, kinh phí nhiều hơn các lễ hội trước, vì thế ma sức lan tỏa của nó cũng được phát huy, mang tính kế thừa lễ hội trước cho kỳ lễ hội sau. Qua đó thể hiện vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành địa phương trong quản lý, điều hành, tổ chức lễ hội; đặc biệt một số cơ quan, đơn vị đã đưa lễ hội của địa phương vào chương trình, kế hoạch công tác, nhiệm vụ chính trong năm hoặc nhiệm kỳ công tác nhằm thực hiện một cách tốt nhất.
Thông qua việc tổ chức các lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế đã góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa cả về vật chất, tinh thần của các thế hệ đi trước, thế hệ cha ông đã dày công hun đúc nên. Phát huy những giá trị tốt đẹp của quá khứ trong hiện tại, thể hiện sự mong muốn những điều tốt đẹp sẽ diễn ra, đồng thời thông qua lễ hội là dịp để những người tham gia lễ hội, dân làng thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, tăng thêm tính nhân văn, tính cố kết cộng đồng, phản ánh tình cảm, cách đối nhân, xử thế giữa người với người.
Thông qua lễ hội truyền thống được tổ chức, các tầng lớp nhân dân nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay có thể tìm hiểu, biết rõ hơn về nguồn gốc các lễ hội, về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất; về ẩm thực, âm nhạc, nghi lễ; về đời sống vật chất và tinh thần của các thế hệ đi trước, để từ đó biết quý trọng, tự hào và ra sức giữ gìn, phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Đồng thời qua đó tạo nên giá trị truyền thống đạo lý, lòng tôn kính đối với những bậc tiền nhân đi trước về nhân cách con người cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Việc tổ chức thành công các lễ hội truyền thống đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa lâu đời, có bề dày lịch sử ở địa phương gắn liền với các lễ hội. Lễ hội truyền thống được xem như là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Nó một mặt khôi phục, bảo tồn văn hóa vật chất, tinh thần, mặt khác phát huy giá trị hiện nay và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Nhìn chung, thời gian qua, một số lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế vẫn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị khá tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, vấn đề bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, trở ngại nhất định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thực trạng đời sống của Thừa Thiên Huế thời gian qua đã cho thấy sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương, chất lượng sống của con người không ngừng được tăng lên. Tuy nhiên, trước những tác động lớn của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, đặc biệt là sự tác động của cơ chế thị trường đã làm cho đời sống văn hóa xã hội ở Thừa Thiên Huế có những biến động nhất định, từ đó cũng tác động đến việc giữ gìn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống.
Quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa với nhiều địa phương trong và ngoài nước đã tạo nên sự đa dạng, đặc sắc, phong phú thêm cho văn hóa Thừa Thiên Huế và văn hóa Huế cũng có điều kiện lan tỏa. Tuy nhiên, cùng với quá trình đó thì lối sống, suy nghĩ tiêu cực và thậm chí lệch lạc cũng sinh sôi nảy nở ở Thừa Thiên Huế. Lối sống thực dụng của con người, chạy theo giá trị vật chất, chạy theo đồng tiền, sẵn sàng đánh mất lương tri/lương tâm, nhân cách, phẩm hạnh để đổi lấy lợi ích vật chất đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Từ đó làm cho một số người sẽ không còn thái độ, hành động tích cực trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, và nguy hiểm hơn là thờ ơ với lễ hội và thậm chí chê bai, “bài trừ” lễ hội.
Một thực trạng hiện nay là nhiều người, đa phần trong số đó là giới trẻ chạy theo lối sống thực dụng, thích hưởng thụ mà lười làm việc, xa hoa, coi trọng vật chất và xem nhẹ các giá trị văn hóa, tinh thần. Thật đáng lo ngại khi các tệ nạn xã hội và trào lưu sống ảo, thích vui chơi giải trí, có những dịch vụ không lành mạnh, phản văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Hiện tượng ăn mặc phản cảm đến những di tích lịch sử, văn hóa, nơi tôn nghiêm là hồi chuông báo động cho những ứng xử kém phần văn hóa của một bộ phận con người trong đời sống đương đại.
Thời gian qua, một số lễ hội truyền thống ở các địa phương Thừa Thiên Huế được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, đảm bảo an toàn, phát huy giá trị, có sức lan tỏa. Tuy nhiên, vẫn có một số lễ hội về quy mô, ảnh hưởng chưa thực sự mạnh mẽ, chưa xứng tầm với tính chất của nó. Có lễ hội đa phần chỉ người dân địa phương biết đến và có khi do nhân dân tự tổ chức. Một số lễ hội phần lễ không được chú trọng mà chú trọng phần hội. Nhìn tổng thể thì phần lớn các lễ hội truyền thống ở Thừa Thuên Huế được tổ chức hiện nay vẫn chưa gắn liền với khai thác, phát triển du lịch một cách có hiệu quả, chưa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến; cùng với đó là chưa có các dịch vụ đi kèm như: thưởng thức các món ẩm thực của địa phương, quà lưu niệm, dịch vụ lưu trú, du lịch trải nghiệm…
Bên cạnh bảo tồn, tổ chức, phát huy được một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của vùng đất và con người Thừa Thiên Huế, thì nhiều lễ hội truyền thống của địa phương qua thời gian đã bị mai một, không còn tổ chức, và cũng không lưu lại các giấy tờ, tư liệu, do đó sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội về sau.
Các lễ hội truyền thống Việt Nam nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng thường diễn ra gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, đình, đền, miếu…Nhưng thực tế thì chỉ số ít di tích vẫn còn được bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ kiến trúc xưa, một số công trình được làm mới; vẫn còn nhiều di tích lâm vào tình trạng xuống cấp, đổ nát, kể cả một số di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng.
Nhìn trên phạm vi cả nước, thời gian qua, ở nhiều nơi, trong quá trình diễn ra lễ hội truyền thống đã xảy ra những điều đáng tiếc như: trục lợi, thương mại hóa lễ hội, một số người lợi dụng để truyên truyền tư tưởng cổ hủ, mê tín dị đoan, một số lễ hội làm mất an ninh trật tự, lợi dụng để cờ bạc,… Và nếu quản lý không tốt thì các lễ hội ở Thừa Thiên Huế cũng nguy cơ không thể tránh khỏi những điều này.
3. Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay
Trước sự biến đổi lớn của tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay là việc làm cấp thiết, mang nhiều ý nghĩa. Qua đó vừa bảo tồn, lưu truyền, gìn giữ các giá trị vật chất và tinh thần mà cha ông để lại, phản ánh văn tâm linh, truyền thống đạo lý, hướng về nguồn cội, mặt khác có thể gắn liền với khai thác, phát triển du lịch một cách hiệu quả. Trong thời gian tới, thiết nghĩ cần phải:
Một là, tăng cường sự quan tâm lãnh chỉ đạo, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, vai trò của chính quyền các cấp, đặc biệt là ở địa phương có lễ hội trực tiếp diễn ra đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương mang đậm tính đặc thù về văn hóa, là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến ở Việt Nam, mang trong mình nhiều di sản văn hóa thế giới, đại diện cho nhân loại. Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW “về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Với tinh thần đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố văn hóa, xem đó là sức mạnh quan trọng cho quá trình xây dựng, phát triển địa phương.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định, coi trọng, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế trong quá trình lãnh đạo địa phương; từ đó xác định chiến lược, kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Đặc biệt, đối với các địa phương nơi có lễ hội truyền thống diễn ra, cấp ủy, chính quyền phải lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, lãnh tạo công tác tổ chức, quản lý lễ hội, đánh giá và rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ lễ hội.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, ý nghĩa của các lễ hội truyền thống.
Để có thể phát huy các giá trị và sức lan tỏa cao, hẳn lễ hội truyền thống đó phải được nhiều người biết đến, không chỉ là người dân của địa phương mà còn là du khách thập phương trong và ngoài nước biết đến, mong muốn được đến để trực tiếp tham gia, tham dự lễ hội. Muốn làm được điều đó đòi hỏi phải làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau về các lễ hội truyền thống.
Thông qua các trang mạng xã hội, truyền hình, báo chí…để đăng tải các thông tin về lễ hội, thời gian, địa điểm, tóm lượt lễ hội, mục đích, ý nghĩa…để người ngoài địa phương có thể biết đến. Quá trình diễn ra lễ hội truyền thống cần tuyên truyền nâng cao ý thức của những người tham gia lễ hội, đảm bảo an ninh, an toàn. Qua đó, du khách, người địa phương, người tham gia lễ hội, người cung cấp dịch vụ phải có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn di tích lịch sử - văn hóa, ứng xử văn minh, không tổ chức các trò chơi trá hình, không lợi dụng để trục lợi, cờ bạc…
Ngay tại địa phương có lễ hội, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn phải làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, đảng viên hiểu biết về lịch sử ra đời, nghi lễ, ý nghĩa của lễ hội, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của các lễ hội truyền thống, để góp phần giữ gìn và phát huy. Cùng với đó cần tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, huy động sự đóng góp của bà con nhân dân địa phương tích cực tham gia lễ hội, đồng thời ra sức giữ gìn di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với lễ hội. Hệ thống chính trị ở địa phương cần phối hợp với nhà trường để giáo dục các em học sinh tìm hiểu, hướng về nguồn cội của các di tích.
Ba là, cần gắn lễ hội với khai thác, phát triển du lịch, cung cấp các dịnh vụ, sản phẩm du lịch gắn liền với lễ hội, với địa phương nơi có lễ hội truyền thống diễn ra.
Một xu thế hiện nay nhằm bảo tồn và phát huy tốt giá trị của các lễ hội truyền thống là gắn lễ hội với khai thác, phát triển du lịch. Đến với lễ hội, du khách không chỉ đơn thuần tham dự lễ hội mà còn có nhu cầu tham gia các trò chơi dân gian, trải nghiệm, tìm hiểu về đời sống văn hóa của địa phương. Trong quá trình diễn ra lễ hội nên chăng cần chú trọng cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm như quà lưu niệm, các món ăn truyền thống của địa phương và hơn thế nữa là du khách có thể du lịch trải nghiệm, tự mình khám phá về địa phương nơi có lễ hội diễn ra.
Thiết nghĩ, các địa phương có lễ hội nên chăng cần nghiên cứu, tìm hiểu về các đối tác về du lịch dịch vụ để kêu gọi họ đến khảo sát, đầu tư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội, các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với du lịch. Một mặt có nhà đầu tư để xây dựng đề án nhằm bảo tồn và huy giá trị của lễ hội một cách tốt nhất, một mặt giúp mang lại lợi tích kinh tế cho địa phương, người dân, từ đó người dân có ý thức, tâm huyết với vấn đề giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội.
Bốn là, cần làm tốt công tác huy động kinh phí, nguồn lực để phục vụ cho bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống.
Để lễ hội diễn ra long trọng, hoành tráng, trang nghiêm, có tác động, sức lan tỏa lớn tất yếu cần phải có nguồn kinh phí lớn. Kinh phí không chỉ dành để tổ chức lễ hội mà còn phục vụ cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, lịch sử - văn hóa gắn liền với lễ hội. Tuy nhiên, một thực trạng là phần lớn các lễ hội truyền thống ở địa phương Thừa Thiên Huế vẫn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nguồn lực.
Do đó, một mặt thì hệ thống chính trị các cấp phải xây dựng nguồn kinh phí để tổ chức lễ hội, bảo bồn và phát huy các giá trị của lễ hội truyền thống từ ngân sách của địa phương, đồng thời thông qua nhiều kênh để kêu gọi các mạnh thường quân, đặc biệt là con em địa phương đi làm ăn xa, những người có điều kiện kinh tế tham gia đóng góp, hỗ trợ hợp pháp cho lễ hội. Cần nghiên cứu các giải pháp gắn kết giữa lễ hội truyền thống với khai thác, phát triển du lịch để có nguồn thu, lấy đó làm một phần nguồn lực, trợ lực cho hoạt động bản tồn, phát huy giá trị các lễ hội.
Kết luận
Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống trong đời sống hiện nay là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn; không chỉ nhằm kết nối quá khứ với hiện tại, giữ gìn, lưu truyền các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của các thế hệ đi trước cho hôm nay và mai sau, mà còn góp phần bồi dưỡng, hình thành nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của con người trong đời sống đương đại. Thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống ở Thừa Thiên Huế được tổ chức bài bản, quy mô, trang nghiêm, hoành tráng, an toàn đã thể hiện việc làm, tinh thần, thái độ tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, nhân dân địa phương đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống. Là một địa phương có nhiều ưu thế, song cũng đối diện với rất nhiều khó khăn, hạn chế, thách thức, do đó Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu các giải pháp nhằm thực hiên tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống địa phương.
Với tinh thần, quyết tâm cao nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có thể tin tưởng rằng, Thừa Thiên Huế sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống địa phương nói riêng.