Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.269.940
Truy cập hiện tại 42

LUẬN ĐIỂM PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TRONG TUYÊN NGÔN ĐẢNG CỘNG SẢN – GIÁ TRỊ LUẬN CỨ NHẰM ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Ngày cập nhật 06/03/2024

TS. LÊ THỊ HẰNG

                                                                                                                                                                          Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

 Tóm tắt: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnlà văn kiện mang tính chất cương lĩnh đầu tiên của những người cộng sản. Tuyên ngôn chứa đựng nhiều luận điểm có giá trị quyết định, đánh dấu sự hình thành hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác và sự phát triển về chất của phong trào công nhân quốc tế. Luận điểm về phát triển con người trong Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đây là cơ sở lý luận khoa học quan trọng để đội ngũ đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam xây dựng các luận cứ phản bác lại các quan điểm của các thế lực thù địch khi bàn về vấn đề con người trong các học thuyết của Mác.

Từ khóa: luận điểm phát triển con người; tuyên ngôn Đảng cộng sản; đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc.

 

1. Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phát triển con người của Chủ nghĩa Mác - Lênin

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang đưa ra luận điệu để tuyên truyền, xuyên tạc về tính nhân văn, nhân bản của học thuyết Mác - Lênin. Chúng cho rằng, trong các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ bàn về kinh tế, chính trị, chuyên chính, bạo lực..., bỏ rơi vấn đề con người, nên học thuyết Mác thiếu tính nhân văn, nhân bản. Đồng thời, chúng cho rằng: “sai lầm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa xã hội có tính chất nhân loại học,…không coi trọng nguyện vọng cơ bản của con người là tự do cá nhân”.

Đứng trước những luận điệu xuyên tạc nêu trên, mỗi đảng viên cần phải xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong xây dựng các luận cứ để đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” .

Đảng viên cần xác định rõ phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải dựa trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, giá trị của Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản nói riêng vào thực tiễn Việt Nam. Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩaMác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề con người và phát triển con người, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, lệch lạc.

2. Luận cứ đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về phát triển con người trong Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản

Để đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về giá trị của Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản đối với vấn đề phát triển con người, chúng ta cần làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn vận dụng những giá trị về phát triển con người của Đảng Cộng Sản Việt Nam để xây dựng các luận cứ.

* Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản - giá trị lý luận thể hiện tính nhân văn cao cả, nhân bản sâu đậm và đặc sắc.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản, C.Mác và Ph.Ăngghen luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của quá trình phát triển xã hội. Khẳng định con người vừa là chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển xã hội. Thể hiện ở những luận điểm sau:

Tuyên ngôn đã phác họa mô hình xã hội mà trong đó con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có điều kiện để được phát triển toàn diện và xây dựng một xã hội tốt đẹp. C.Mác và Ph. Ăng ghen đã khẳng định chế độ tư bản chủ nghĩa dù tiến bộ hơn chế độ phong kiến nhưng vẫn còn áp bức. Điều này thể hiện qua luận điểm “Xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới”[1]. Vì xã hội tư bản chủ nghĩa còn nô dịch, áp bức, bóc lột, bất công, nên không phải là xã hội tốt đẹp và phải giải phóng xã hội đó.

    Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác - Ph.Ăng- ghen đã xây dựng cơ sở phương pháp luận khoa học để phân biệt sự khác nhau về bản chất giữa chiến lược phát triển con người theo định hướng xã hội chủ nghĩa với chính sách an sinh xã hội nhằm điều hòa mâu thuẫn giữa tư bản và lao động trong xã hội tư sản khi nhấn mạnh:“Trong xã hội tư sản, lao động sống chỉ là một phương tiện để tăng thêm lao động tích lũy. Trong xã hội cộng sản, lao động tích lũy chỉ là một phương tiện để mở rộng, làm phong phú và làm giảm nhẹ cho quá trình sống của những người lao động”[2]

       C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định quan điểm giải phóng xã hội là giải phóng con người triệt để, tức là phải giải phóng được tất cả các cá nhân,  bởi vì “xã hội không thể nào giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng cho mỗi một cá nhân riêng biệt”[3]. Luận điểm này cho thấy quan điểm của các ông về giải phóng con người, giải phóng xã hội có sự tiến bộ vượt bậc so với các quan điểm trước đó, vì nó triệt để hơn: giải phóng tất cả cá nhân cụ thể trong xã hội. Xét về mặt xã hội, mục tiêu giải phóng con người, vì hạnh phúc thật sự của con người, hướng tới một xã hội “trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[4] chính là quan điểm nhân đạo chủ nghĩa cao cả, lý tưởng cao cả của loài người tiến bộ. Những đặc trưng đó chỉ có thể hiện hữu trong một xã hội mà sự phát triển hướng vào lợi ích của tất cả nhân dân lao động.

        Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản khẳng định triết lý phát triển con người là gắn tự do cá nhân của con người với sự phát triển của xã hội. Với quan điểm duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác - Lê-Nin coi con người là một thực thể thống nhất các yếu tố xã hội và bản sắc cá nhân, trong đó yếu tố xã hội giữ vai trò chủ đạo; không thể tuyệt đối hóa tự do cá nhân, tách rời mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác - Ph.Ăng-ghen đã chứng minh: Những người công nhân làm thuê đã bị bọn tư sản biến thành những công cụ kiếm tiền cho chúng, những cái máy, mất hết sự độc lập và cá tính "Trong xã hội tư sản, tư bản có tính độc lập và cá tính, còn cá nhân người lao động lại mất tính độc lập và cá tính"[5]. Như vậy xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới chính là xóa bỏ cái cá tính tư sản, tự do tư sản, thứ tự do bóc lột sức lao động của người khác để hình thành một xã hội mới mà ở đó mọi thành viên được tự do, tự do định đoạt số phận của mình, và chính sự tự do của mỗi cá nhân ấy là điều kiện cho sự phát triển chung của cả xã hội. 

       Tuyên ngôn khẳng định sự để bảo đảm sự bình đẳng và công bằng nhằm phát triển toàn diện con người thì cần phải có chính sách phát triển đồng đều và cân bằng giữa các vùng miền, đặc biệt giữa thành thị và nông thôn là một đặc trưng của xã hội tương lai."Kết hợp nông nghiệp với công nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn"[6].

        Tuyên ngôn khẳng định các vấn đề xã hội được giải quyết một cách hài hòa, bình đẳng, nhằm mục tiêu phát triển tự do của mỗi con người trong cộng đồng nhân loại. Bàn về chính sách giáo dục trong chế độ mới, hướng đến phát triển toàn diện con người, Tuyên ngôn đã khẳng định cần tạo cơ hội như nhau cho mọi người được hưởng thụ các chính sách giáo dục, học hành, đặc biệt là đối với trẻ em "Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm cho các công xưởng như hiện nay[7]

    - Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản khẳng định xóa bỏ tư hữu là phương thức bảo đảm phát triển con người toàn diện. C.Mác - Ph.Ăng-ghen đã phân tích mâu thuẫn giữa tư bản và lao động trong xã hội tư bản để luận giải sâu sắc sự tha hóa của người lao động trong xã hội tư bản nhằm tìm ra con đường giải phóng và phát triển con người, trước hết và chủ yếu là xóa bỏ những điều kiện kinh tế - xã hội dẫn đến sự tha hóa của con người và “tạo ra những hoàn cảnh hợp tính người”, trong đó “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”[8]. Ở đây, chúng ta phải hiểu xóa bỏ chế độ tư hữu có nghĩa là xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư sản và các chế độ chiếm hữu trước đó về tư liệu sản xuất.

       * Quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam về phát triển con người – cơ sở thực tiễn khẳng định sự kế thừa vận dụng, phát triển sáng tạo tinh thần, giá trị nhân văn, nhân bản của tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản.

Trung thành và phát triển sáng tạo triết lý phát triển con người trong học thuyết Mác - Lê-nin được khởi nguồn từ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Đảng ta luôn nhấn mạnh: con người là trung tâm của chiến lược phát triển, là chủ thể phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Cương lĩnh (Bổ sung và phát triển năm 2011) khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân... chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”[9].

Nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng đều khẳng định: Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta… Phát triển con người - nhân tố quyết định sự phát triển xã hội, thể hiện trong quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII là sự minh chứng sâu sắc cho quan điểm mang tính chiến lược: Tất cả do con người, tất cả vì con người, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

 Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”... Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”; phát triển con người toàn diện, “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”[10]. Quan điểm về nguồn lực con người, đề cao nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển là tư tưởng nhất quán của Đảng.

Để phát huy sức mạnh nguồn lực con người cần phải hết sức quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền lợi của người dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Bảo đảm quyền con người phải là khâu kết nối cần thiết, không thể thiếu giữa khâu lấy con người làm trung tâm và phát triển con người toàn diện. Để phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của con người trong mọi hoạt động thì nhất thiết phải xây dựng và thực hiện một cơ chế thực sự dân chủ; trong đó ngày càng quan tâm đến dân chủ trực tiếp nhằm hiện thực hóa những giá trị dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đời sống xã hội.

3. Trách nhiệm của giảng viên Trường Chính trị trong vận dụng những giá trị của Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản về phát triển con người vào giảng dạy nhằm góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch

Người giảng viên trường Đảng không chỉ có vai trò là người truyền đạt, trao đổi những kiến thức liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ cho người học mà còn là một tuyên truyền viên có khả năng thuyết phục cao khi đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, để vận dụng tư tưởng phát triển con người trong Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản có hiệu quả, người giảng viên cần quan tâm thực hiện những biện pháp sau:

Thứ nhất, xác định và lựa chọn những giá trị về phát triển con người trong Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản để lồng ghép vào giảng dạy.

Để vận dụng tốt, cần phải chọn nội dung vấn dụng phù hợp. Khi chọn lựa vấn đề để lồng ghép trong giảng dạy, giảng viên cần bám sát nguyên tắc lựa chọn những luận điểm, tinh thần, giá trị cơ bản, trọng tâm về phát triển con người của Tuyên Ngôn để lồng ghép; nội dung lồng ghép có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với nội dung chuyên đề giảng dạy; nội dung lựa chọn phải có khả năng lồng ghép hiệu quả.

Giảng viên cần phải phân loại các nội dung lồng ghép theo các nhóm: nội dung nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức lý luận;  hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng công tác; hoàn thiện kỹ năng phân tích, phản biện cho học viên.

Chẳng hạn, giảng viên có thể lựa chọn một số luận điểm về giải phóng con người khỏi áp bức, bất công; bảo đảm quyền tự do của con người; chính sách tạo điều kiện để con người được giải phóng triệt để; bảo đảm sự phát triển bình đẳng và công bằng trong phát triển con người; xây dựng chính sách phát triển đồng đều và cân bằng; xây dựng chính sách xã hội hài hòa, bình đẳng tạo cơ hội hưởng thụ cho mọi người; xóa bỏ tư hữu, xây dựng công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu…

Thứ hai, xác định phần học và chuyên đề cụ thể của phần học để lồng ghép các luận điểm, giá trị về phát triển con người trong Tuyên ngôn.

Muốn vận dụng hiệu quả giá trị phát triển con người trong Tuyên ngôn vào bài giảng, đặc biệt là các chuyên đề của Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, đòi hỏi giảng viên dẫn dắt vấn đề và trích dẫn, phân tích các luận điểm cụ thể phù hợp với từng đơn vị kiến thức của chuyên đề. Tùy theo chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy, giảng viên cần lựa chọn chuyên đề cụ thể của từng phần học để thực hiện lồng ghép giá trị phát triển con người đã được Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản đề cập.

Chẳng hạn, trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, ở phần học Triết học Mác Lê nin có Bài 10 “Quan điểm của triết học Mác - Lênin về con người”. Xuất phát từ vai trò của chuyên đề, khi lên lớp giảng dạy, nhiệm vụ của giảng viên không chỉ dừng lại ở việc phân tích và làm rõ những nội dung lý luận trong giáo trình mà còn phải mở rộng kiến thức, liên hệ thực tế bằng những ví dụ cụ thể. Giảng viên có thể trích dẫn những luận điểm về vai trò trung tâm của con người, quan điểm “tự do của mỗi người là tự do của mọi người” trong Tuyên ngôn một cách linh hoạt để luận giải mối quan hệ giữa con người với xã hội. Qua đó, giúp học viên liên hệ được quan điểm của triết học Mác – Lênin về con người và sự cụ thể hóa ở Việt Nam, từ đó thấy được giá trị của học thuyết Mác – Lênin và sự vận dụng của Đảng, Nhà nước ta, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Trong phần học “Nhà nước và pháp luật”, giảng viên có thể vận dụng vấn đề phát triển con người của Tuyên ngôn lồng ghép vào giảng dạy chuyên đề “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” khẳng định rằng, quyền con người, quyền công dân gắn liền với bản chất quyền lực của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Khẳng định đây là nội dung được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, kế thừa tư tưởng về bảo đảm quyền tự do của con người trong các tác phẩm của Chủ nghĩa Mác Lênin nói chung, Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản nói riêng về bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân, khẳng định sự khác biệt trong bảo đảm quyền con người ở nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với các nhà nước tư sản hiện nay.

Trong phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam”, giảng viên có thể lồng ghép những giá trị về chính sách bảo đảm sự bình đẳng và công bằng; bảo đảm sự phát triển đồng đều; xây dựng chính sách xã hội hài hòa, bình đẳng tạo cơ hội hưởng thụ cho mọi người vào giảng dạy các chuyên đề về Đường lối, chính sách văn hóa, giáo dục; chính sách xã hội, an sinh xã hội, phát triển xã hội để khẳng định tinh thần giải phóng con người triệt để của Tuyên ngôn đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng sáng tạo trong thực tiễn đổi mới đất nước hiện nay. Qua đó, khẳng định giá trị trường tồn của Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản đối với sự phát triển toàn diện của con người và xã hội hiện nay.

Thứ ba, phương pháp lồng ghép vào giảng dạy để đấu tranh, phản bác.

Người giảng viên phải biết kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp sáng tạo. Giảng viên phải dành một thời gian nhất định để thuyết trình, diễn giảng các khái niệm, các nội dung, các vấn đề về phát triển con người trong Tuyên ngôn cần phải lồng ghép vào bài giảng. Giảng viên cần gợi mở, đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thông tin thực tế. Có thể đặt ra những câu hỏi, những tình huống thảo luận trước, trong hoặc sau khi diễn giảng những nội dung chính nhằm gợi mở, thúc đẩy tư duy người học đi đến chân lý.

Giảng viên có thể sử dụng phương pháp hỏi – đáp theo dạng bình luận quan điểm hoặc thảo luận nhóm khi yêu cầu học viên phản bác luận điệu xuyên tạc về phát triển con người phù hợp với bài giảng. Đối với các lớp có đối tượng học viên ngành giáo dục (Lớp Giáo dục, lớp Đại học Huế,..) giảng viên cần xây dựng những tình huống liên quan đến “luận điệu xuyên tạc” của các thế lực thù địch về tính thiếu nhân văn, nhân bản của Chủ nghĩa Mác, Lê nin nói chung, Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản nói riêng, sau đó sử dụng phương pháp “phỏng vấn chuyên gia” để học viên trình bày các quan điểm, đưa ra luận cứ để làm sáng tỏ vấn đề liên quan mà bài học đề cập đến. Qua đó, hình thành năng lực phản biện cho học viên, nâng cao nhận thức, khắc sâu kiến thức lý luận và thực tiễn cho người học.

Mỗi giảng viên cần tự “đổi mới” chính mình cho phù hợp với yêu cầu giảng dạy lồng ghép vận dụng giá trị, quan điểm để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta vào giảng dạy các chuyên đề. Phương pháp giảng dạy vận dụng, lồng ghép sáng tạo quan điểm, đường lối không có một khuôn mẫu, một barem chuẩn mực chung cho tất cả các giảng viên, học viên. Do tính đặc thù riêng của từng lớp, từng phần học mà người giảng viên phải thiết kế bài giảng riêng theo tính đặc thù đó. Điều đó có nghĩa trong giảng dạy vận dụng, lồng ghép người giảng viên ngoài việc làm chủ kiến thức còn phải tìm hiểu thật kỹ đối tượng mà mình giảng dạy. Trong giờ học, việc trao đổi giữa người dạy và người học được chủ động, thực hiện nhiều hơn, lớp học sẽ sôi động hơn không nên phân biệt rành rọt giữa giờ giảng lý thuyết với giờ thảo luận.

Luận điểm phát triển con người trong Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội ngày nay trên con đường hướng đến xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không chỉ dừng lại ở một tác phẩm mà giá trị của nó vượt tầm thời gian, đi cùng khát vọng cao cả của loài người tiến bộ. Vận dụng sáng tạo giá trị của tác phẩm về phát triển con người vào từng vị trí công tác của đảng viên là phương thức hiệu quả nhất để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.447

2.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 1, tr. 215 – 216.

3. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” .

 

 

 



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.447

[2] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t 4, tr 616

[3] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t 4, tr 626

[4] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t 4, tr 626

[5] . C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t 4, tr 617

[6] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t 4, tr 628

[7] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t 4, tr 628

 

[8] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t 4, tr 628

 

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 1, tr. 215 – 216.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 1, tr. 215 – 216.

 

 

       
Các tin khác
Xem tin theo ngày