Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.259.901
Truy cập hiện tại 22
Liên kết website
BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO TẠI HUYỆN A LƯỚI TỈNH THƯA THIÊN HUẾ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày cập nhật 31/05/2024

 BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC

GIẢM NGHÈO TẠI HUYỆN A LƯỚI TỈNH THƯA THIÊN HUẾ

TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

ThS. Đặng Thị Thanh Hà

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Trường Chính Trị Nguyễn Chí Thanh

 

Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là thực hiện một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhận thức được điều này, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn A Lưới đã và đang nỗ lực quyết tâm cao, bằng những giải pháp hiệu quả, khoa học để đủ điều kiện đưa huyện A Lưới thoát ra khỏi 74 huyện nghèo quốc gia.

Từ khóa: Bài học kinh nghiệm/ giảm nghèo/ huyện A Lưới/ tỉnh Thừa Thiên Huế

1. Tình hình thực hiện công tác giảm nghèo ở huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế

* Công tác giảm nghèo trước những năm 2023

A Lưới là địa phương giáp biên giới, lại có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, dù tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới có giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức khá cao, nguy cơ tái nghèo là điều khó tránh khỏi. Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo và kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững ở A Lưới là việc thiếu đất sản xuất khiến người dân nơi đây khó khăn trong việc làm ruộng, làm vườn và tổ chức chăn nuôi. Ngoài ra, thị trường đầu ra sản phẩm nông nghiệp của bà con còn thấp. Một rào cản khác trong công tác giảm nghèo ở A Lưới đó là xuất phát từ nhận thức và ý chí vươn lên của chính người dân nơi đây chưa cao, một bộ phận không nhỏ bà con còn mang nặng các tư tưởng, phong tục tập quán lao động sản xuất lạc hậu…cụ thể: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo từ 35,04% đã giảm xuống còn 14,82% vào cuối năm 2020. Năm 2021, qua điều tra, rà soát (theo chuẩn nghèo đa chiều), toàn huyện hiện còn 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%. Năm 2022 tỉnh giao giảm tỷ lệ hộ nghèo 7,54%, tương đương 1.060 hộ nghèo; huyện phấn đấu giảm 10,18% tương đương 1.430 hộ nghèo; các xã, thị trấn phấn đấu giảm 10,78% tương đương với 1.512 hộ. Qua rà soát đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra, còn lại 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2%. và Căn cứ Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, UBND các huyện, thị xã thành phố Huế đã tiến hành rà soát theo các tiêu chí, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Kết quả rà soát toàn tỉnh có 07 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển (huyện Phong Điền, gồm 02 xã: Phong Chương, Điền Hương; huyện Phú Vang, gồm 02 xã: Phú Gia, Phú Diên; huyện Phú Lộc, gồm 03 xã: Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Giang Hải) và 01 huyện nghèo A Lưới và huyện Alưới cũng là một trong 74 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

* Công tác giảm nghèo sau năm 2023

 Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời quyết tâm của  sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị tỉnh, của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể đặc biệt bà con nhân dân huyện A. Lưới công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường; các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh được triển khai thực hiện kịp thời. Bắt đầu từ tháng 10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cũng đã chọn huyện A Lưới để tổ chức phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Huyện đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% vào cuối năm (tương ứng giảm 12,08%, từ 5.399 hộ nghèo hiện nay xuống còn 3.691 hộ. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi,... đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định . Cụ thể: năm 2023 với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà,UBND huyện đã chỉ đạo triển khai quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ đề ra với 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Về công tác giảm nghèo bền vững đã tiếp tục giảm thêm 1.914 hộ nghèo, vượt 203 hộ so với kế hoạch tỉnh giao, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện, giảm xuống còn 24,3%, đủ điều kiện để đưa huyện A Lưới thoát ra khỏi 74 huyện nghèo quốc gia, để chung tay cùng với cả tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Về thu ngân sách đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; Công tác giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đạt theo tiến độ quy định. Các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 70%, vốn sự nghiệp đạt 43%. Tập trung lồng ghép các nguồn lực để thực hiện công tác chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường nội thị, tạo diện mạo đô thị A Lưới khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện tốt công tác trồng rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phát huy hiệu quả các sản phẩm OCOP, các mô hình theo chuỗi liên kết. Nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ, trongđó, lấy du lịch là nòng cốt, phát triển dần thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Đã đẩy mạnh các hoạt động về du lịch, gắn liền phát triển nông nghiệp với du lịch, các sản phẩm nông, đặc sản truyền thống. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Với những kết quả này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Huyện A Lưới .

2. Bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo của huyện A Lưới trong thời gian qua

Từ những kết quả đạt được trong quá trình chỉ đạo và thực hiện công tác giảm nghèo của huyện A Lưới chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Đồng thới, xây dựng kế hoạch giảm nghèo bảo đảm cụ thể, sát thực với các giải pháp căn cơ, bài bản, đồng bộ, thống nhất và cách làm sáng tạo, linh hoạt, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, nút thắt, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.

Thứ hai, quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo cần có cơ chế, chính sách đồng bộ phù hợp với lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lý, văn hóa truyền thống và lồng ghép các chương trình, dự án để tránh dàn trải; đảm bảo dân chủ, tôn trọng ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế ổn định là cơ sở, là tiền đề đảm bảo nguồn lực cho giảm nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo bền vững phải đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp để nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

Thứ ba, phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo để làm giàu cho chính mình và xã hội.

Thứ tư, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, cần quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các xã nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ năm, trong điều kiện một tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cần huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo; trong đó cùng với nguồn lực nhà nước cần tranh thủ vận động đa dạng các nguồn lực ngoài nhà nước. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá tổng kết, rà soát, kiến nghị bổ sung các chính sách phù hợp trong công tác giảm nghèo theo hướng giảm dần trợ cấp, tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo.

Thứ sáu, cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng năng lực trong công tác giảm nghèo, đây là chìa khóa để đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn, và qua việc nêu gương của cán bộ, đảng viên bằng những việc làm, hành động cụ thể sẽ làm cầu nối củng cố niềm tin, trách nhiệm của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo.

Có thể nói từ một trong những huyện nghèo trong cả nước nay huyện A Lưới đã đủ điều kiện để đưa huyện A Lưới thoát ra khỏi 74 huyện nghèo quốc gia đó là sự nỗ lực các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đề ra các giải pháp đồng bộ, sáng tạo, huy động vào cuộc sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhằm góp phần nhỏ để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Quyết định số 90/QĐTTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

2. Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Danh sách các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”

3.  Quyết định số 880/QĐ-TTg, ngày 22-7-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025”

4. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 03/ 11/ 2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

5. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 

6. https://aluoi.thuathienhue.gov.vn/

7. https://baotainguyenmoitruong.vn/thua-thien-hue-huong-thoat-ngheo

       In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày